star

Vào cuối đời, khoảng 95% các sao phát triển thành sao khổng lồ đỏ và mất khối lượng của chúng qua gió sao. Cuối cùng, chúng kết thúc dưới dạng một tinh vân hành tinh chứa đầy khí ion hóa với một sao lùn trắng ở trung tâm.

Các nhà nghiên cứu từ 14 cơ sở khoa học của châu Âu - trong đó có Viện Vật lý thiên văn Canary (IAC), đã phát hiện sự tồn tại của một tương tác kép trước đây chưa được cộng đồng khoa học chú ý tới. Nghiên cứu mới mang lại một cách giải thích khác về tốc độ mất khối lượng rất cao vốn được cho rằng diễn ra ở cuối đời của hầu hết các sao khổng lồ.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Astronomy cho thấy những sao này mất khối lượng chậm hơn nhiều so với ước tính trước đây. Gió sao không mạnh hơn thông thường, nó bị ảnh hưởng bởi sao đồng hành trước đây không được chú ý tới - một ngôi sao thứ hai chuyển động quanh sao khổng lồ đỏ. Việc quá trình này xảy ra chậm hơn có ảnh hưởng lớn tới hiểu biết của chúng ta về kết thúc của các sao. Hệ quả của khám phá này là chúng ta có thể thấy rằng các sao khổng lồ nặng cần nhiều thời gian hơn để đẩy các chất phía trong ra ngoài và làm giàu cho môi trường liên sao cũng như góp phần vào sự tiến triển hóa học của các thiên hà.

Đài quan sát duy nhất có thể cung cấp thông tin chi tiết về "siêu gió" ở giai đoạn cuối đời các sao là ALMA (viết tắt của tổ hợp kính quan sát bước sóng milimet/hạ milimet Atacama) ở sa mạc Atacama - Chile.

Anibal García Hernández - nhà nghiên cứu của IAC, đồng tác giả của nghiên cứu - giải thích: "Dữ liệu cho thấy một cấu trúc xoắn chỉ ra rằng các sao này không độc lập mà có một sao đồng hành. Tương tác với sao đồng hành tạo ra một hình thái khá phức tạp dưới dạng một vòng xoắn không hoàn chỉnh. Dữ liệu trước đây không có được độ phân giải và độ nhạy của ALMA nên đã không cho phép các nhà thiên văn phát hiện được những đặc điểm liên quan tới sao kép."

Việc phân tích các quan sát của ALMA đã cho thấy một cách thuyết phục rằng pha cuối trong tiến hóa của những sao già này không đặc trưng bởi "siêu gió cực mạnh" diễn ra nhanh chóng mà thay vào đó là "gió bình thường" kéo dài lâu hơn. Nói cách khác là các sao gia sống lâu hơn.

Giờ đây cộng đồng khoa học sẽ xem liệu sự tồn tại của sao đồng hành trong những cặp này có thể giải thích được hành vi của những sao khổng lồ đỏ đặc biệt khác.

"Chúng tôi đã nghĩ rằng rất nhiều sao sống đơn độc, nhưng có lẽ chúng tôi sẽ phải thay đổi ý tưởng của mình," Leen Decin - tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Đại học Catholic ở Louvain - cho biết. "Có thể là các sao có đồng hành phổ biến hơn so với chúng tôi từng nghĩ."

Vũ Quang
Theo Science Daily