Mars

Carbon hữu cơ của Sao Hỏa có thể đã có nguồn gốc từ một chuỗi phản ứng điện hóa giữa nước mặn và các khoáng vật từ núi lửa - theo các phân tích mới về ba thiên thạch từ Sao Hỏa của một nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Andrew Steele của Viện Khoa học Carnegie, được đăng trên tạp chí Science Advances.

Ba thiên thạch Sao Hỏa đã rơi xuống Trái Đất này có tên lần lượt là Tissint, Nakhla và NWA 1950. Nghiên cứu đã cho thấy chúng chứa một lượng carbon hữu cơ lớn trùng khớp đáng kể với các hợp chất carbon hữu cơ được phát hiện qua các nhiệm vụ do thám của Phòng Thí nghiệm Khoa học về Sao Hỏa.

Vào năm 2012, Steele dẫn đầu một nhóm nghiên cứu và đã xác định chính xác hợp chất carbon hữu cơ được tìm thấy trong 10 thiên thạch của Sao Hỏa đều có nguồn gốc từ đó thay vì do bị ô nhiễm từ Trái Đất, tuy nhiên đồng thời chúng cũng không có nguồn gốc sinh học. Phân tích mới này đã đưa nghiên cứu của ông sang bước tiếp theo: tìm cách hiểu rõ hơn về cách carbon hữu cơ được tổng hợp thay vì tìm hiểu nguồn gốc sinh học.

Các phân tử hữu cơ có chứa carbon và hydro, đôi lúc bao gồm cả oxy, nitơ, lưu huỳnh và các nguyên tố khác. Các hợp chất hữu cơ thường đi kèm với sự sống, tuy chúng cũng có thể được tạo ra qua các quá trình phi sinh học, còn gọi là hóa hữu cơ phi sinh học.

Steele cho biết: "Tìm ra các quá trình hình thành các hợp chất hữu cơ trên Sao Hỏa là một công việc hết sức thú vị trong công đoạn tìm hiểu về khả năng sống được của nó."

Steele cùng các đồng tác giả đã đi sâu vào quá trình khai thác ba thiên thạch Sao Hỏa này. Qua sử dụng kính hiển vi hiện đại kết hợp với các phép đo quang phổ, họ đã phát hiện ra rằng các hợp chất hữu cơ của các thiên thạch này có khả năng cao đã được hình thành từ sự ăn mòn điện hóa của các khoáng chất trong đá Sao Hỏa do một lượng nước muối xung quanh.

"Khám phá này về việc các hệ thống của tự nhiên có thể hình thành một khối pin ăn mòn nhỏ gây ra phản ứng điện hóa giữa các khoáng chất và chất lỏng xung quanh là một khám phá mang ý nghĩa lớn đối với lĩnh vực sinh học thiên văn," Steele giải thích.

Một quá trình tương tự có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có đá bị đốt nóng được vây quanh bởi nước mặn, bao gồm cả các bề mặt đại dương của vệ tinh Europa của Sao Mộc, vệ tinh Enceladus của Sao Thổ, và thậm chí là một số nơi trên Trái Đất, cụ thể từ thời kỳ đầu trong lịch sử của các hành tinh này.

Nhóm nghiên cứu bao gồm Pamela Conrad và Jianhua Wang của Viện Khoa học Carnegie; Liane Benning, Richard Wirth và Anja Schreiber của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức; Sandra Siljeström của Viện Nghiên cứu RISE ở Thụy Điển; Marc Fries và Francis McCubbin của Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc NASA; Karyn Rogers của Học viện Bách khoa Rensselaer; Jen Eigenbrode của Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA; A.Needham của Viện Khoa học và Công nghệ USRA; David Kilcoyne của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley; và Juan Diego Rodriguez Blanco của Đại học Leeds.

Nghiên cứu này đồng thời tưởng nhớ tới Erik Hauri, một nhà khoa học tại Carnegie và đồng tác giả của nghiên cứu, đã qua đời vào tháng chín vừa rồi.

Các nhà nghiên cứu được hỗ trợ bởi NASA, Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Thụy Điển, Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển, Helmholtz Recruiting Initiative, và Văn phòng về Khoa học Năng lượng Cơ bản của Bộ Năng lượng Mỹ.

Tuấn Phong
Theo Science Daily