3200 phaethon

Một tảng đá kỳ quái màu xanh lam có tên gọi là 3200 Phaethon (hay đơn thuần là Phaethon) đã di chuyển vào khá gần với Trái Đất năm ngoái. Các nhà khoa học đã tận dụng cơ hội này để nghiên cứu về nó một cách kỹ lưỡng hơn và phát hiện ra tiểu hành tinh màu xanh và di chuyển như một sao chổi này còn khác lạ hơn những gì họ đã nghĩ. "Đây là một tiểu hành tinh xanh kỳ quái đã tạo ra mưa sao băng Geminids và nóng lên đến mức kim loại trên bề mặt của nó phải tan chảy," theo Theodore Kareta, một nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona, cho biết trong một họp bảo ở hội nghị thường niên lần thứ 50 tại Ủy ban Khoa học Hành tinh của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 10.

Các nhà khoa học đã biết từ trước rằng Phaethon có màu xanh lam và một quỹ đạo khác thường, di chuyển đến gần Mặt Trời sau đó di chuyển ra xa hơn Sao Hỏa. "Đây là một quỹ đạo rất kỳ dị," Kareta nói. Các nhà khoa học cũng đã nghi ngờ một thời gian rằng vật thể này có thể là nguồn gốc của mưa sao băng Geminids. Nhưng lần áp sát gần đây đã cho thấy Phaethon thực sự còn tối hơn những gì chúng ta đã nghĩ tới, nó chỉ sáng hơn than củi một ít và có bề mặt đồng nhất, đều "bị đốt cháy" bởi Mặt Trời.

Tất nhiên vẫn còn tồn tại các bí ẩn về tiểu hành tinh kỳ lạ này. Màu xanh lam của nó có thể là dấu hiệu rằng nó đã đi đến gần Mặt Trời (điều này chắc chắn là đúng, dựa trên quỹ đạo kỳ lạ đó), nhưng các nhà khoa học vẫn còn tiếp tục nghiên cứu để có thể giải thích rõ ràng và chính xác hơn về hiện tượng màu sắc này. Thậm chí chúng ta vẫn còn chưa thể khẳng định hoàn toàn liệu vật thể có màu kỳ lạ này có thật sự là một tiểu hành tinh hay không.

Bề mặt của vật thể này có màu xanh lam nhưng đồng thời cũng cực kỳ nóng. Kareta cho biết: "Phaethon có thể đạt đến hơn 800 độ C."

Mặc dù lần tiếp cận này với Phaethon đã cung cấp rất nhiều thông tin thú vị cho các nhà khoa học, họ vẫn tiếp tục phải nghiên cứu tỉ mỉ để xác định rõ tính chất thật sự của nó. "Liệu nó có phải là một sao chổi đã chết? Hay nó là một vật thể tạo ra mưa sao băng Geminids một cách bình thường? Hoặc nó còn là thứ gì khác?" Kareta cho biết.

Các nhà khoa học sẽ có thể trả lời được thêm nhiều câu hỏi về vật thể này khi JAXA (cơ quan không gian Nhật Bản) cho tàu Destiny+ bay qua thiên thể này ở vận tốc cao vào năm 2025. Con tàu này cũng sẽ quan sát và nghiên cứu về các vật thể nhỏ hơn đến từ Phaethon.

Qua việc nghiên cứu và hiểu rõ hơn về Phaethon, các nhà khoa học có thể có một cái nhìn tổng quan tốt hơn về quá trình hình thành của các thiên thể tương tự cũng như hình dáng và hoạt động của chúng trong quá khứ.

Tuấn Phong
Theo Astronomy