Gateway

Hiểu được tâm lý con người trong việc thăm dò không gian là rất quan trọng khi chúng ta mạo hiểm ra ngoài.

Ngày 5 tháng 5 năm 1961, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian khi ông lái chiếc Mercury Capsule Freedom 7. Hành trình quỹ đạo của ông kéo dài 15 phút. Giống như hầu hết trẻ em lớn lên trong thời kỳ đầu của cuộc hành trình vào không gian, tôi (tác giả) nhớ rõ thời điểm này.

Chuyến bay này càng đặc biệt đối với tôi vì bố tôi, Arthur L. Levine, khi ấy làm việc cho NASA. Là một quản trị viên nguồn nhân lực, ông tuyển dụng John Glenn, người vào năm 1962 trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh Trái Đất. Bố tôi, Glenn và Neil Armstrong, tất cả đều làm việc tại trung tâm nghiên cứu ở Cleveland, Ohio, ngày nay được gọi là Trung tâm Nghiên cứu Glenn.

Bởi vì bố làm việc cho cơ quan ấy, từ khi còn là một đứa trẻ tôi đã bị mê hoặc bởi các phi hành gia và những chuyến bay không gian. Niềm đam mê đó đã theo tôi đến khi trưởng thành.

Và tôi cứ liên tục suy nghĩ về một việc: Những gì trong không gian có tác động lên tâm lý con người? Và đối với những phi hành gia Sao Hỏa trong tương lai, tâm trí con người sẽ như thế nào khi Mẹ Trái Đất nhỏ dần tới khi chỉ còn là một dấu chấm?

Thật đáng ngạc nhiên, từ trước khi các sứ mệnh Sao Hỏa trở nên khả thi, NASA đã xem xét toàn bộ nhu cầu tâm lý của các phi hành gia.

 
Điều kiện phù hợp

Các phi hành gia của NASA vào những năm 1960 là những cựu phi công thử nghiệm quân sự với ít nhất một số kiến thức kỹ thuật của tàu không gian. Họ có thể liên lạc với nhóm mặt đất của NASA về các vấn đề kỹ thuật, theo lời James Picano, nhà tâm lý cao cấp ở nhóm Sức khỏe và biểu hiện hành vi (BHP) của NASA.

Hai sứ mệnh Mercury và Gemini là những chuyến bay ngắn, giống như những chuyến bay thử nghiệm hàng không, chỉ kéo dài vài giờ. Mặc dù các tàu Apollo vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 70 đã mạo hiểm lên Mặt Trăng, nhưng chúng cũng chỉ kéo dài tới vài ngày.

Đối với những nhiệm vụ này, NASA đã muốn các phi hành gia vẫn bình tĩnh và tỉnh táo dưới áp lực. "Mercury Seven" huyền thoại làm được như vậy và hơn thế nữa. "Họ có động lực cao, có khả năng kiểm soát tình cảm mạnh mẽ và được rèn luyện để tự đẩy mình tới giới hạn," Picano nói.

Theo Douglas Vakock, một nhà tâm lý học đã nghỉ hưu và người biên tập cuốn sách "Tâm lý học trong khám phá không gian" (Psychology of Space Exploration), thì mặc dù các phi hành gia chắc chắn đã có được những điều kiện kỹ thuật phù hợp, vấn đề quan hệ công chúng và địa chính trị cũng có liên quan tới vai trò của họ ở NASA.

"Những năm đầu của khám phá không gian được đánh dấu bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô," Vakoch nói. “Các phi hành gia được miêu tả là những người anh hùng. Bất cứ phi hành gia nào có dù chỉ một dấu hiệu về vấn đề tâm lý đều có nguy cơ bị mất vị trí bay của mình.”

Khi còn là một cậu bé, tôi hỏi bố tôi về lý do tại sao các nhà du hành vũ trụ có vẻ rất can đảm, ông nói, "Họ được dạy để giữ lại mọi nghi ngờ hoặc lo ngại cho riêng họ."

Phi hành gia David Wolf của NASA ở phía ngoài trạm ISS.

 

Kéo dài thời gian ngoài không gian

Kể từ năm 1971, với sự ra mắt thành công của trạm vũ trụ đầu tiên, Salyut 1 của Liên Xô, các phi hành gia của Mỹ và Nga đã sống và làm việc trong quỹ đạo - đôi khi trong nhiều tháng liền. Nga đi đầu trong việc cung cấp một số chuẩn bị tâm lý cho các phi hành gia. Việc huấn luyện tập trung vào việc nuôi dưỡng sự bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng và tinh thần đồng đội.

Mir của Liên Xô (sau này là Nga) là một trạm quỹ đạo hoạt động trong 15 năm bắt đầu vào giữa những năm 1980. Năm 1995, Mir đã chứa tới 125 người cả đàn ông và phụ nữ từ hàng chục quốc gia trong vòng bốn năm tiếp đó. Một trong số đó là David Wolf người Mỹ, người đã dành 128 ngày trên trạm vũ trụ này.

Để chuẩn bị, Wolf đã trải qua sự huấn luyện tâm lý tương tự với các phi hành gia. Có thời điểm, ông đã bị cô lập trong ba ngày với hai người khác bên trong một viên nang Soyuz chật chội "nóng đến mức không thể chịu nổi", ông nói.

Wolf cũng đã ở trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), đi vào quỹ đạo vào năm 1998 và đang tiếp tục có sự tham gia của các phi hành gia từ các quốc gia khác nhau, như Canada, Nga và Nhật Bản. Đào tạo đối với ISS cũng vất vả tương tự. Đội của Wolf đã phải đi bộ và trượt dốc trong nhiệt độ đóng băng và thời gian không được ngủ lên tới 9 ngày.

"Bạn học cách đưa ra quyết định dựa trên thông tin không đầy đủ," Wolf nói về các bài tập, "đó là những gì bạn phải làm trong một nhiệm vụ không gian."

 

Tâm lý học thiên văn

Vào tháng 2 năm 2007, phi hành gia Lisa Nowak, một chuyên gia trong sứ mệnh tàu con thoi năm trước đấy, bị buộc tội giết người trong một chuyện tình tay ba liên quan đến một phi hành gia khác. Theo thông tin sau đó, Quốc hội Mỹ đã tổ chức phiên điều trần, và một ủy ban đề nghị NASA chú ý nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của các phi hành gia. Điều này dẫn đến hình thành BHP năm 2008 và yêu cầu sàng lọc tâm lý cho các phi hành gia.

“Trước năm 2008, khám nghiệm tâm thần chỉ được thực hiện cho các ứng viên phi hành gia,” Nick Kanas, một bác sĩ tâm thần, người đã kiểm tra cho các phi hành gia của NASA cho biết. "Bây giờ tất cả các phi hành gia đều được kiểm tra bởi một bác sĩ tâm thần mỗi năm bất kể họ đang bay hay không." BHP đề nghị các phi hành gia của ISS tập huấn về quản lý xung đột, nhạy cảm về văn hóa và đi đến các điều khoản với sự cô lập không gian, Picano nói. Đây là một bước tiến trong huấn luyện mà Wolf đã nhận được.

Trong suốt nhiệm vụ, mỗi phi hành gia trong đoàn có các buổi nói chuyện video hàng tuần với các thành viên gia đình và các cơ hội để được tư vấn với nhóm BHP. Sau nhiệm vụ, họ sẽ tham gia vào một chương trình tái hòa nhập, Picano nói.

Dữ liệu tâm lý mà NASA thu thập được từ các trạm quỹ đạo trên Trái Đất có thể sẽ được áp dụng cho Deep Space Gateway, một trạm không gian Mặt Trăng trong tương lai trong đó các phi hành gia sẽ ở lại trên tàu trong nhiều tháng liền. NASA và các cơ quan không gian khác đã hợp tác trong dự án Gateway. Kế hoạch là để chở các phi hành gia bên trong khoang Orion của NASA, một loại tàu không gian mới chứa được bốn phi hành gia một lúc. Việc ra mắt một số mô-đun có thể diễn ra sớm nhất là vào năm 2022.

 

Chuyến đi đến Sao Hỏa

Một chuyến đi đến Sao Hỏa sẽ là một trải nghiệm rất khác biệt đối với các phi hành gia so với trải nghiệm trạm vũ trụ. Nó sẽ kéo dài khoảng ba năm, và trước tiên, Trái Đất sẽ biến mất khỏi tầm nhìn. “Nhìn thấy Trái Đất từ không gian là một nguồn an ủi cho các phi hành gia, những người đã báo cáo rằng nó mang đến cho họ cảm giác bảo vệ hoặc ý thức trách nhiệm,” Picano nói. Điều gì sẽ xảy ra với tâm trí của một phi hành gia khi phải cách xa ngôi nhà an toàn của chúng ta?

Nga đã đi trước Mỹ trong việc xem xét những thách thức tâm lý như vậy cho một phi hành đoàn Sao Hỏa. Từ năm 2007 đến năm 2011, Nga đã tiến hành ba nghiên cứu cách ly trong một phi thuyền mô phỏng ở Moscow. Trong nghiên cứu dài nhất, kéo dài 520 ngày, bốn trong sáu thành viên đã phát triển các vấn đề tâm thần, bao gồm rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu đã quyết định rằng các phi hành gia cần chiến lược để đối phó với sự cô lập cũng như sự thất vọng trong khoảng thời gian giao tiếp bị trì hoãn 40 phút với Trái Đất.

Năm 2012, NASA bắt đầu hợp tác với HI-SEAS (Hawai'i Space Exploration Analog and Simulation). Gần đây, sáu người đã dành hơn một năm trong khu vực chật chội hơn 2.400 mét tính từ mực nước biển trên Đảo Lớn của Hawaii. Mục đích là để xác định việc cô lập và giam giữ có thể ảnh hưởng đến một phi hành đoàn đóng tại một tiền trạm nghiên cứu Sao Hỏa như thế nào. Thông tin liên lạc duy nhất của nhóm Hawaii với những người bên ngoài nhóm là thông qua email bị trì hoãn 40 phút.

"Chúng tôi biết rằng bạn không thể ngăn chặn xung đột ở con người, nhưng bạn có thể chọn một phi hành đoàn có khả năng khắc phục khi mọi thứ trở nên sai lầm", Kimberly Binsted, điều tra viên chính của HI-SEAS cho biết.

Picano nói rõ ràng rằng các phi hành gia Sao Hỏa vẫn sẽ cần những điều kiện phù hợp, nhưng cũng cần “khả năng thích ứng, đối phó với môi trường, sức chịu đựng tinh thần, là một người bạn cùng phòng tốt và làm việc như một nhóm.”

Với sự đào tạo tâm lý gần như không có đối với các phi hành gia đầu tiên, tôi biết bố tôi sẽ ngạc nhiên về việc nó đã đi xa đến vậy. “Các phi hành gia nói rằng việc đi vào không gian thật dễ dàng,” ông từng nói với tôi, “nhưng hiểu được kinh nghiệm đó là rất khó.”

Tác giả: David Levine
Minh Phương dịch từ bài đăng trên Discovermagazine.com .