Những tiểu hành tinh rất nhỏ bị giữ lại bởi hành tinh của chúng ta có thể đang di chuyển theo quỹ đạo xung quanh chúng ta. Làm sao chúng ta thấy chúng? Nếu nghĩ rằng Mặt Trăng là vật thể duy nhất có quỹ đạo quanh Trái Đất, bạn có thể phải nghĩ lại.
Những nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của các "tiểu mặt trăng” – các tiểu hành tinh rất nhỏ bị lực hấp dẫn giữ lại trên quỹ đạo quanh Trái Đất – khi phát hiện ra một thiên thể như vậy qua cuộc Khảo sát Bầu trời Catalina của NASA năm 2006. Các tiểu hành tinh này chuyển động nhanh quanh hành tinh trước khi rơi xuống bề mặt nó như sao băng hoặc bị đẩy ngược ra không gian. Tuy nhiên, kể từ đó không phát hiện được tiểu mặt trăng nào do kích cỡ nhỏ cũng như sự dịch chuyển nhanh của chúng. Điều nay dẫn đến nhiều nghi ngờ rằng liệu chúng có thật sự tồn tại.
Tìm ra những người bạn cùng quỹ đạo
Để loại bỏ hoàn toàn sự nghi ngờ, Kính thiên văn Khảo sát Tổng quát rộng LSST (Large Synoptic Survey Telescope) tới đây sẽ truy tìm và theo dõi quỹ đạo của những vị khách còn ẩn mình này, cho chúng ta cái nhìn vào sâu bên trong bản chất của các tiểu hành tinh và hành trình của chúng trong không gian.
Theo như bản tóm lược tổng hợp về các tiểu mặt trăng được xuất bản trên Frontiers in Astronomy and Space Sciences (Những ranh giới trong Thiên văn học và Khoa học Không gian) hồi tháng 5, những đồng hành cùng quỹ đạo này chỉ có chiều dài vài mét và thường có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Lực hấp dẫn của Mặt Trời và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời dường như dần dần kéo các tiểu mặt trăng ra khỏi vành đai, tạo điều kiện để Trái Đất “tóm” được chúng khi chúng lướt qua.
Một số tiểu mặt trăng thực hiện nhiều vòng quanh hành tinh, trong khi số khác chỉ chuyển động một phần của vòng. Dù dịch chuyển với quỹ đạo gì, chúng đều đi đến một trong hai kết thúc: rơi thẳng xuống Trái Đất và phân hủy trong khí quyển hoặc thoát khỏi lực kéo hấp dẫn.
Bất kể kết thúc như thế nào, trung bình một tiểu mặt trăng chỉ mất khoảng 9 tháng ở quỹ đạo của Trái Đất. Thời gian đó không phải là dài, nhưng cho chúng ta đủ thời gian để tiến hành một số hoạt động khoa học.
Trong một thông cáo báo chí, đồng tác giả của bản tóm lược là Mikael Granvik thuộc Đại học Công nghệ Luleå, Thụy Điển và Đại học Helsinki, Phần Lan cho biết: “Hiện tại, chúng ta không hiểu hết về thành phần cấu tạo nên các tiểu hành tinh. Các tàu không gian thường chỉ mang được một lượng vật chất rất nhỏ Trái Đất. Các thiên thạch cung cấp phương thức gián tiếp giúp phân tích tiểu hành tinh, nhưng bầu khí quyển của Trái Đất lại phá hủy những vật chất yếu khi chúng đi xuyên qua.”
Với sự trợ giúp của LSST, cả hai khó khăn đó có thể được giải quyết. Kính thiên văn lớn đang được dự tính sẽ hoạt động từ 2022 này sẽ được trang bị camera trường rộng, giúp khảo sát toàn bộ bầu trời mỗi tuần một lần và một gương 8m sẽ thu nhận ánh sáng yếu từ các tiểu mặt trăng, cho phép các nhà nghiên cứu dễ dàng định vị và theo dõi quỹ đạo của chúng.
Các nhiệm vụ không gian với tiểu mặt trăng
Tác giả chính của bản tóm lược là Robert Jedicke thuộc Đại học Hawaii, Honolulu đã phát biểu: “Một khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm các tiểu mặt trăng ở mức độ rộng lớn hơn, chúng sẽ là đối tượng hoàn hảo cho các vệ tinh. Chúng ta có thể thực hiện một số chương trình trong thời gian ngắn cũng như tốn ít chi phí hơn, dùng chúng như thiết bị thử nghiệm cho các nhiệm vụ không gian lớn hơn và tạo cơ hội cho ngành công nghiệp khai thác tiểu hành tinh non trẻ trong việc thử nghiêm các công nghệ của họ.”
Vì các vệ tinh sẽ mang các tiểu hành tinh về Trái Đất trong những con tàu được thiết kế các lớp bảo vệ, chúng sẽ không bị tổn hại hoặc bị mất đi bất cứ vật chất nào khi vụt qua bầu khí quyển. Nghiên cứu các mẫu tiểu hành tinh lớn hơn ở trạng thái tự nhiên của chúng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về thành phần cấu tạo, điều kiện hình thành và cách chúng tiến hóa.
Còn giờ, chúng ta cần nhớ rằng mới chỉ có một tiểu mặt trăng được phát hiện, cách đây hơn một thập kỷ. Do đó, cho đến khi LSST xác thực sự tồn tại của những tiểu hành tinh bí ẩn này, thì vật thể duy nhất đang ở trên quỹ đạo đó mà chúng ta có thể tính đến là một thứ không nhỏ lắm - Mặt Trăng của chúng ta.
Phương Dung
Theo Astronomy