protoplanet disk

Một nhóm các nhà thiên văn học châu Âu đã khám phá ra rằng những hạt bụi quanh một ngôi sao đã cô đặc lại từ trước khi ngôi sao hoàn toàn trưởng thành. Sự phát triển của những hạt bụi là bước đầu tiên trong sự hình thành các hành tinh. Các nhà nghiên cứu từ Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đã công bố phát hiện này trên tạp chí Nature Astronomy.

Trong những năm gần đây, các nhà thiên văn học đã khám phá ra nhiều hệ hành tinh quanh các sao khác. Gần như mỗi ngôi sao đều có khả năng có ít nhất một hành tinh chuyển động quanh nó. Một số câu hỏi lớn được xoay quanh liên quan đến các hệ hành tinh là về cách mà chúng hình thành và quá trình này đã diễn ra thế nào để dẫn tới sự đa dạng về số lượng và kích thước các hành tinh đã quan sát được. Kết quả của nhóm nghiên cứu châu Âu vừa qua đã gợi ý rằng sự hình thành hành tinh bắt đầu rất sớm trong quá trình hình thành sao.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tổ hợp kính lớn quan sát bước sóng milimet và hạ-milimet Atacama (viết tắt là ALMA) để thu được kết quả này. ALMA là hệ thống gồm 66 kính thiên văn vô tuyến liên kết với nhau trải dài 16 km trên sa mạc Atacama ở Chile. Các nhà nghiên cứu đã cho ALMA hướng quan sát về TMC1A - một ngôi sao vẫn đang trong giai đoạn phát triển ở chòm sao Taurus (Bò Mộng, ở Việt Nam thường dịch không chính xác là Kim Ngưu).

Các nhà thiên văn học nhận thấy có sự thiếu hụt của carbon monoxide trong quang phổ thu được ở khu vực hình đĩa gần ngôi sao. Họ chỉ ra rằng các hạt bụi trong đĩa tiền hành tinh trẻ có thể đã lớn lên để từ kích thước 1/1000 milimet lên tới 1 milimet.

Trưởng nhóm nghiên cứu là Daniel Harsono ở Đại học Leiden - Hà Lan giải thích về sự ngạc nhiên này: "Kết quả này cho thấy các hành tinh đã bắt đầu hình thành trong khi ngôi sao vẫn còn đang phát triển. Ngôi sao mới chỉ đạt được khoảng một nửa cho tới 3/4 khối lượng cuối cùng của nó. Đây là một điều mới mẻ."

Per Bjerkeli (Đại học Chalmers, Thụy Điển) nhấn mạnh ý nghĩa của sự phát triển sớm các hạt bụi: "Nó có thể là một cách giải thích cho sự hình thành các hành tinh khổng lồ có kích thước như Sao Mộc và Sao Thổ. Chỉ có những đĩa tiền hành tinh sớm mới có đủ khối lượng để hình thành các hành tinh khổng lồ."

Đồng tác giả của nghiên cứu là Matthijs van dẻ Wiel (ASTRON, Viện thiên văn vô tuyến Hà Lan) tỏ ra hài lòng với những quan sát rõ ràng này. "Sự phát triển bụi sớm này có thể là một ngoại lệ, tất nhiên. Có lẽ đĩa trẻ này là rất đặc biệt."

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu dấu hiệu hình thành hành tinh quanh những tiền sao khác theo cách tương tự. Cuối cùng, các nhà thiên văn học muốn biết nhiều hơn về nơi và cách mà các hành tinh ra đời.

Tuấn Phong
Theo Space Daily