Exoplanets

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện thêm hai hệ hành tinh mới. Một trong hai hệ đó có ba hành tinh có kích thước Trái Đất.

Thông tin về những ngoại hành tinh mới này có được từ dữ liệu thu thập bởi nhiệm vụ K2 của vệ tinh Kepler của NASA, bắt đầu triển khai từ năm 2013. Nghiên cứu đã được công bố trên Báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia (MNRAS), nó cho thấy sự tồn tại của hai hệ hành tinh mới được phát hiện qua sự che khuất ánh sáng khi hành tinh đi qua phía trước ngôi sao.

Nghiên cứu này đứng đầu bởi Javier de Cos tại Đại học Oviedo và Rafael Rebolo tại Viện vật lý thiên văn Canary, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu thuộc hai đơn vị này cùng nhiều người khác ở Đại học Geneva và Kính thiên văn lớn của Canary (GTC).

Hệ hành tinh thứ nhất là ở sao K2-239. Ngôi sao này được xác định là một sao lùn đỏ loại M3V. Hệ này nằm ở hướng của chòm sao Sextant, cách Mặt Trời khoảng 160 năm ánh sáng. Nó có ít nhất 3 hành tinh đá với kích thước tương tự Trái Đất (có bán kính lần lượt là 1,1, 1,0 và 1,1 bán kính Trái Đất) và chuyển động quanh ngôi sao theo chu kỳ 5,2, 7,8 và 10,1 ngày.

Ngôi sao thứ hai có hệ hành tinh được phát hiện cũng là một sao lùn đỏ với hai hành tinh dạng siêu-Trái Đất với kích thước gấp đôi hành tinh của chúng ta. Mặc dù nhiệt độ khí quyển của hai sao lùn đỏ này chỉ khoảng 3.450 đến 3.800 K - tức là khoảng một nửa nhiệt độ bề mặt của Mặt Trời, các nhà nghiên cứu ước tính rằng tất cả các hành tinh vừa được khám phá này có nhiệt độ gấp hàng chục lần so với Trái Đất do nhận bức xạ rất mạnh ở khoảng cách gần so với sao mẹ của chúng.

Những chiến dịch quan sát trong tương lại với kính thiên văn không gian James Webb sẽ xác định đặc điểm chi tiết của thành phần khí quyển các hành tinh này. Các quan sát quang phổ thực hiện bởi thiết bị có tên là ESPRESSO thuộc kính VLT của ESO hoặc bởi GTC hay các cơ sử quan sát thiên văn khác sẽ là rất quan trọng để xác định khối lượng, mật độ và đặc điểm vật lý của những hành tinh này.

Tuấn Phong
Theo Science Daily