Năm 2016 đã chứng kiến sự tăng mạnh trong ham muốn chinh phục Sao Hoả của loài người, dẫn đến cuộc chạy đua công khai để có được bước đặt chân đầu tiên trên Hành tinh Đỏ, mà một điểm dừng chân sẽ là Mặt Trăng.
Các quốc gia đi đầu về không gian đều có chung mục tiêu coi Sao Hoả là biên giới tiếp theo cần đạt tới và không ngừng vận động tiền cũng như chuyên môn để biến ước mơ này thành hiện thực.
Nhưng việc đắc cử của tân tổng thống Mỹ Donald Trump - với những tác động không thể tránh khỏi về chính sách khoa học, ngân sách và quan hệ ngoại giao - đã mang lại những nghi vấn về tương lai của việc khám phá không gian.
Những nhà quản lý và đầu tư của ngành không gian đang đợi ngày mà tổng thổng mới đắc cử sẽ đưa ra kế hoạch của mình đối với NASA, cũng như để xem tương lai nghiên cứu không gian sẽ là sự hợp tác hay cạnh tranh với các quốc gia khác.
Trong chiến dịch tranh cử tại Florida - bang chuyên phát triển ngành công nghiệp không gian, Trump đã nói rằng ông muốn "giải phóng NASA khỏi việc bị hạn chế và hoạt động như một cơ quan hậu cần của hoạt động quỹ đạo thấp."
Trump không nói chi tiết, nhưng các chương trình quỹ đạo thấp bao gồm Trạm không gian quốc tế (ISS), kính thiên văn không gian Hubble và các vệ tinh quan sát Trái Đất. Trong đó có cả các vệ tinh khoa học của NASA phục vụ việc quan sát khí hậu - một dự án mà Trump cũng đe doạ rằng sẽ hạn chế.
Ông nói với đám đông rằng nhiệm vụ cốt lõi của NASA sẽ là khám phá không gian, và hứa hẹn rằng "Mỹ sẽ dẫn đường tới các vì sao."
Đây có thể là tin tốt cho tham vọng chinh phục Sao Hoả!
Cựu tổng thống Barack Obama đã đặt mục tiêu cho chuyến hành trình tới thiên thể thứ tư của Mặt Trời sẽ thực hiện vào những năm 2030, với "tham vọng tối hậu" là lập nên một khu định cư ở đó.
Đây đồng thời cũng là tham vọng của doanh nhân kiêm người sáng lập ra SpaceX - Elon Musk, người đã phát động một kế hoạch đầy tham vọng hồi tháng 9 vừa qua về việc xây dựng căn cứ trên Sao Hoả, gửi lên đó mỗi lần 100 người, bắt đầu từ năm 2024.
Một công ty của Hà Lan là Mars One cũng có kế hoạch tương tự. Họ dự định phóng vệ tinh lên Sao Hoả năm 2031, được tài trợ một phần bởi một chương trình truyền hình thực tế.
Các nhà phân tích cho biết Mặt Trăng sẽ là điểm dừng chân thích hợp cho hành trình tới Sao Hoả và Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã có kế hoạch xây dựng một "ngôi làng" trên Mặt Trăng để làm điểm dừng chân cho các tàu không gian.
John Logsdon tại Viện chính sách không gian Đại học George Washington cho biết rằng việc tới Sao Hoả phụ thuộc vào việc nỗ lực quốc tế trong việc trở lại Mặt Trăng được đẩy nhanh tới mức nào, Mỹ sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc đó và ngân sách dành cho NASA như thế nào.
"Và tất cả những điều đó đến giờ vẫn chưa biết."
Cuộc đua không gian mới?
Theo một tài liệu của Viện chính sách không gian châu Âu, sau nhiều năm hợp tác đa quốc gia thì "xu hướng hiện này là để các quốc gia phát triển ngành không gian củng cố và tăng quyền tự chủ quốc gia trong việc đạt được thành công trong nghiên cứu không gian."
Các quốc gia muốn có tên lửa và bãi phóng riêng của nó trong trường hợp có "sự phát triển địa chính trị bất lợi" đe doạ các chương trình của họ.
Kể từ cuộc đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô trong đó đã có người đầu tiên được đưa ra ngoài không gian năm 1961 và người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969, xu hướng làm việc được chuyển sang hướng liên kết.
Một thành tựu lớn của liên kết quốc tế là trạm ISS, một dự án với sự tham gia của Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật và Canada với việc liên tục đưa người lên từ năm 2000 đến nay. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có Nga có thể đưa các nhà du hành lên các trạm trên quỹ đạo, do đó các nước cùng hợp tác trong việc vận chuyển. Ngoài ra còn có những dự án khác, chẳng hạn như thiết bị thăm dò ExoMarrs hợp tác giữa châu Âu và Nga, dự kiến cho năm 2020.
"Trước đây chỉ có Mỹ và Liên Xô có thể đi vào không gian. Ngày nay Ấn Độ có thể làm điều đó, Nhật cũng có thể làm điều đó," Sa'id Mosteshar, giám đốc Viện chính sách và luật không gian London nói.
Chỉ có riêng Trung Quốc không phải thành viên của bất cứ dự án quốc tế nào, chủ yếu vì quan hệ ngoại giao phức tạp của họ với Mỹ. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã chi ra một số tiền đáng kể cho nghiên cứu không gian. Họ có một phòng thí nghiệm không gian trên quỹ đạo, dự kiến trở thành trạm không gian có người vào năm 2022, và có thể họ sẽ là quốc gia thứ hai đưa người lên Mặt Trăng (người cuối cùng lên Mặt Trăng là một người Mỹ, năm 1972).
Nhưng các nhà quan sát cho rằng sẽ không có cuộc chạy đua khi mà những quốc gia đó, cũng như các công ty tư nhân đều khó mà đủ tiền để làm việc đó một mình.
Hầu hết các hợp tác quốc tế sẽ vẫn tiếp tục bất chấp những gì mà các chính trị gia làm trên Trái Đất, cũng giống như việc hợp tác nghiên cứu vẫn tồn tại ngay cả trong giai đoạn cao điểm nhất của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước kia.
Donald Trump được coi là người có nhiều khả năng sẽ thân với Nga dưới thời của Vladimir Putin hơn là Barack Obama, nhưng đồng thời ông cũng đã gây ra nhiều vấn đề ngoại giao với Trung Quốc.
"Hợp tác quốc tế trong các dự án không gian phụ thuộc vào các cam kết dài hạn," Mosteshar nói. "Nếu giữa chừng của dự án xuất hiện sự mâu thuẫn về chính trị giữa các quốc gia thành viên, rất khó để dừng được các thử nghiệm cũng như các hoạt động khác đang thực hiện."
Bryan
Theo Space Daily