Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã sử dụng thiết bị quan sát hồng ngoại của kính thiên văn VLT (Very Large Telescope) của ESO với mục đích nắm được một cách chi tiết và toàn diện nhất về tinh vân Orion vào thời điểm hiện tại. Kết quả thu được không chỉ đơn thuần là một bức ảnh ngoạn mục của Orion mà hơn thế nữa là sự phát hiện của các sao lùn và các vật thể có khối lượng cỡ hành tinh. Sự hiện diện của các vật thể này đã mở ra một góc nhìn khá thú vị về lịch sử hình thành sao trong tinh vân này.

 

Tinh vân Orion nổi tiếng trải dài khoảng 24 năm ánh sáng trong chòm sao Orion, có thể quan sát được từ Trái Đất bằng mắt thường với hình dáng như một vệt mờ trên thanh kiếm của Orion. Một số tinh vân như Orion phát sáng rất mạnh do bức xạ từ các tia cực tím của các ngôi sao bên trong chúng, làm ion hoá khí trong tinh vân.

Tinh vân Orion ở đủ gần để có thể coi nó là vật thử nghiệm lý tưởng nhằm hiểu rõ hơn về quá trình và lịch sử hình thành sao, cùng với quá trình xác định số sao được hình thành từ các vùng tạo sao khối lượng khác nhau.

Amelia Bayou, đồng tác giả của bài báo mới đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu, giải thích tầm quan trọng của vấn đề này: "Hiểu được cách các vật thể khối lượng thấp được phát hiện ra trong tinh vân Orion là rất quan trọng trong việc thu hẹp các giả thuyết hiện tại về hình thành sao. Hiện chúng tôi đã nhận thấy hình dáng các vật thể khối lượng thấp đó phụ thuộc vào môi trường xung quanh chúng."

Hình ảnh này gây phấn khích vì nó hé lộ một lượng lớn đến không ngờ tới các thiên thể khối lượng rất thấp, qua đó gợi ý rằng tinh vân Orion có thể gồm nhiều thiên thể khối lượng nhỏ hơn nhiều so với các vùng tạo sao ở gần và ít hoạt động hơn.

Các nhà thiên văn đã đếm số lượng các vật thể có khối lượng khác nhau được hình thành trong các khu vực như tinh vân Orion với mục đích hiểu rõ hơn quá trình hình thành sao. Trước nghiên cứu này, số thiên thể nhiều nhất đếm được là các thiên thể có khối lượng khoảng 1/4 Mặt Trời của chúng ta. Việc khám phá ra một loạt thiên thể mới với khối lượng nhỏ hơn rất nhiều trong tinh vân đã cho thấy loại thiên thể nhiều thứ hai là loại có khối lượng nhỏ hơn nhiều.

Những quan sát này cũng cho thấy một dấu hiệu rằng số lượng các thiên thể kích cỡ hành tinh có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng phán đoán. Và hiện tại mặc dù công nghệ của chúng ta chưa hoàn toàn sẵn sàng quan sát được các đối tượng đó, trong tương lai, Kính thiên văn châu Âu cực lớn của ESO (E-ELT), dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào 2024, sẽ được thiết kế để có thể theo đuổi mục tiêu này.

Trưởng nhóm nghiên cứu Holger Drass cho biết: "Kết quả chúng tôi đạt được khiến tôi có cảm giác như ta đã có một cái nhìn thoáng vào một kỷ nguyên mới của ngành nghiên cứu về hình thành sao và hành tinh. Số lượng khổng lồ của các hành tinh đang lơ lửng tự do trong phạm vi quan sát hiện tại giúp tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ khám phá ra một số lượng lớn các hành tinh nhỏ hơn Trái Đất với E-ELT."

Tuấn Phong
Theo Science Daily