Các nhà khoa học đã phát hiện một phân lớp mới của thiên hà mà ở đó gió từ lỗ đen siêu nặng đủ mạnh để ngăn chặn sự hình thành sao trong tương lai. Những thiên hà đỏ và chết chóc vì vắng các sao trẻ này chiếm một phần không nhỏ trong vùng vũ trụ lân cận của chúng ta, nhưng bí ẩn đối với các nhà thiên văn học trong nhiều năm qua là cơ chế nào đã khiến sự hình thành sao không xảy ra mặc dù các thiên hà này có đầy đủ các nguyên liệu cần thiết.

 

 

 

Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đã sử dụng thiết bị quang phổ ghi hình ở bước sóng biểu kiến của Khảo sát bầu trời Sloan-IV lập bản đồ các thiên hà gần tại đài quan sát Apache Point (SDSS-IV MaNGA) đã ghi nhận được một lỗ đen siêu nặng đang làm nóng khí của thiên hà chứa nó, dẫn tới sự ngăn cản hình thành sao.

"Các sao được tạo thành từ sự lạnh đi và sụp đổ của khí, nhưng trong những thiên hà này không có các sao mới bất chấp sự phong phú của khí trong đó. Nó giống như chúng ta có những đám mây chứa nước ở trên một sa mạc, nhưng không có giọt mưa nào chạm tới mặt đất." Edmond Cheung, nhà nghiên cứu thuộc Việt vật lý và Toán học của đại học Kavli (Kavli IPMU), tác giả chính của nghiên cứu mới đã được công bố trên Nature ngày 26 tháng 5 vừa qua.

Nhóm của Cheung đã nghiên cứu một thiên hà được gọi tên là Akira, một ví dụ điển hình của phân lớp mới được phát hiện mà họ gọi là các thiên hà "mạch đỏ" (red geyser, trong đó red là chỉ màu sắc của thiên hà gồm toàn các sao già, còn geyser có nghĩa là mạch phun nước có ý chỉ gió bùng phát từ lỗ đen siêu nặng).

Akira cho thấy những mô hình hấp dẫn và phức tạp của khí ấm, biểu hiện gián tiếp cho thấy sự có mặt của một luồng gió thổi ra từ lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của nó. Các nhà nghiên cứu cho biết nguồn nhiên liệu cho lỗ đen siêu nặng của Akira dường như đến từ tương tác với  với một thiên hà nhỏ hơn có tên là Tetsuo. Gió này mang năng lượng đủ để làm nóng khí bao quanh và do đó ngăn cản sự tạo thành sao.(*)

Có những kết quả sớm hơn của khảo sát này đã bắt đầu được quan sát từ năm 2014. Công nghệ được đưa vào khảo sát này cho phép các nhà khoa học lập bản đồ các thiên hà với tốc độ nhanh hơn trước từ 10 đến 100 lần, khiến cho việc thu được số lượng mẫu đủ lớn để tìm ra các thiên hà đang trải qua những sự kiện diễn ra nhanh trở nên khả thi.

"Khả năng đặc biệt của MaNGA là có thể quan sát hàng nghìn thiên hà ở ba chiều, bằng cách lập bản đồ không chỉ vị trí của chúng trên bầu trời mà còn cách mà các sao và khí di chuyển trong chúng," Kevin Bundy, nhà nghiên cứu chính của MaNGA đồng thời là trợ lý giáo sư tại Kavli IPMU cho biết.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu khảo sát và lên kế hoạch cho những nghiên cứu tiếp theo để hé lộ nhiều hơn về vai trò của các thiên hà mạch đỏ đối với quá trình tiến hoá thiên hà.

L.C
Theo Space Daily

(*) Chú thích của người dịch: gió từ lỗ đen ở đây không phải vật chất phóng ra từ bên trong lỗ đen, các lỗ đen đều không thể phun vật chất. Gió ở đây là bức xạ và các dòng hạt mang điện sinh ra do các dòng khí bị cuốn vào lỗ đen được gia tốc mạnh và nóng lên.