Việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất vừa trở nên thú vị thêm chút nữa khi một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng của một trong những thành phần quan trọng cho sự kiến tạo của sự sống trong đại dương ngầm của Enceladus, một vệ tinh của Sao Thổ. Mô hình mới chỉ ra rằng đại dương của Enceladus khá giàu phốt-pho hòa tan trong đó, và đó là một thành phần quan trọng của sự sống.
Tiến sĩ Christopher Glein ở Viện nghiên cứu Tây Nam (Texas, Mỹ) là chuyên gia đầu ngành về hải dương học ngoài Trái Đất, đồng thời là đồng tác giả của bài báo về nghiên cứu mới đăng trên Proceedings of the National Academy of Sciences (Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Quốc gia (Mỹ), viết tắt là PNAS), cho biết: "Enceladus là một trong những mục tiêu chính của nhân loại trong việc tìm kiếm sự sống trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Trong những năm kể từ khi tàu không gian Cassini của NASA ghé thăm hệ Sao Thổ, chúng tôi đã liên tục kinh ngạc vì những khám phá có được từ dữ liệu đã thu thập."
Tàu không gian Cassini đã khám phá ra đại dương nước lỏng bên dưới bề mặt Enceladus và phân tích các mẫu của những chùm hạt băng và hơi nước được phun vào không gian từ những vết nứt trên bề mặt của vệ tinh băng này.
"Điều mà chúng tôi biết được là những chùm này có chứa hầu hết mọi thứ cần cho sự sống mà chúng ta đã biết," Glein nói. "Mặc dù nguyên tố phốt-pho vốn rất cần thiết cho sự sống vẫn chưa được phát hiện trực tiếp, nhóm của chúng tôi đã phát hiện ra bằng chứng về sự có mặt của nó trong đại dương bên dưới lớp vỏ của vệ tinh này."
Một trong những khám phá quan trọng nhất của ngành khoa học hành tinh trong 25 năm qua là những thế giới đại dương bên dưới về mặt băng khá phổ biến trong Hệ Mặt Trời. Những thế giới như thế gồm có các vệ tính của những hành tinh khổng lổ như Europa, Titan và Enceladus, cũng như những thiên thể xa hơn như Pluto. Những thế giới như Trái Đất với đại dương trên bề mặt cần phải nằm đủ gần sao mẹ để nhiệt độ vừa đủ duy trì trạng thái lỏng của nước trên bề mặt. Những thế giới có đại dương trong lòng thì khác, chúng có thể nằm ở khu vực xa hơn, và như vậy thì khu vực có khả năng có sự sống trong cả thiên hà rộng hơn nhiều so với việc chỉ tính những thế giới có đại dương lỏng trên bề mặt.
"Mục tiêu tìm kiếm khả năng sống được trong Hệ Mặt Trời đã dịch chuyển mục tiêu, khi mà giờ đây chúng tôi tìm kiếm những thành phần kiến tạo của sự sống, bao gồm những phân tử hữu cơ, ammoniac, các hợp chất của lưu huỳnh cũng như những nguồn năng lượng hóa học cần thiết cho sự sống," Glein cho biết. "Phốt-pho đặt ra một trường hợp thú vị vì nghiên cứu trước đó đã gợi ý rằng nó có lẽ rất khan hiếm trong đại dương của Enceladus, và điều đó làm mờ đi triển vọng cho sự sống."
Phốt-pho ở dạng phốt-phát rất quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất. Nó là yếu tố thiết yếu để tạo ra ADN và ARN, những phân tử mang năng lượng, màng tế bào, xương và răng ở người và động vật, và thậm chí cả hệ vi sinh vật phù du ở biển.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các mô hình nhiệt động học và động học để mô phỏng đặc điểm địa hóa học của phốt-pho dựa trên dữ liệu của Cassini về đáy đại dương của Enceladus. Trong quá trình nghiên cứu, họ đã phát triển mô hình địa hóa học chi tiết nhất từng có về cách mà các khoáng chất ở đáy biển được hòa tan vào đại dương của Enceladus và qua đó dự đoán được rằng các khoáng chất chứa phốt-pho có thể hòa tan một cách bất thường trong đó.
Như vậy, theo Glein thì việc này cho thấy Enceladus rõ ràng vẫn còn là một nơi nhiều tiềm năng cho sự sống hơn so với dự đoán trước đây, và "chúng ta cần quay lại với Enceladus để xem liệu đại dương của nó có thực sự có sự sống hay không."
Bryan
Theo Science Daily