Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà nghiên cứu từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (IAC) dẫn đầu đã khám phá ra, với mức độ chi tiết cao hơn, các hiệu ứng vật lý và hóa học trong tác động của một luồng khí tiền sao bên trong tinh vân Orion. Nghiên cứu được thực hiện nhờ sử dụng các quan sát bằng kính thiên văn VLT và dữ liệu hình ảnh 20 năm của kính thiên văn không gian Hubble. Các quan sát cho thấy bằng chứng về sự nén và nhiệt độ tăng được tạo ra bởi sóng xung kích, cùng sự phá hủy các hạt bụi, dẫn đến sự gia tăng đáng kể độ phong phú của các nguyên tử sắt, niken và các nguyên tố nặng khác trong tinh vân Orion. Các kết quả gần đây đã được công bố trên Astrophysical Journal.
Tinh vân Orion là một trong những đối tượng được biết đến nhiều nhất và rất sáng trên bầu trời đêm, là khu vực tạo sao khối lượng lớn gần Trái Đất nhất, nó có cấu trúc khí phức tạp và rộng lớn. Một số ngôi sao mới sinh bên trong nó phát ra các tia bức xạ với tốc độ cao, khi va chạm với vật chất bao quanh phía ngoài sẽ tạo ra các trận sóng xung kích nén và làm nóng khí bên trong tinh vân. Các vùng va chạm này có hình cánh cung, và được gọi là vật thể Herbig-Haro, theo tên của hai người đã phát hiện ra chúng là nhà thiên văn học người Mỹ George Herbig và nhà thiên văn học người Mexico Guillermo Haro.
Những đối tượng thế này đã từng được quan sát trước đây trong nhiều tinh vân tối, nơi khí lạnh là trung tính, và nguồn năng lượng chính của nó là nhiệt tạo ra từ cú va chạm. Tuy nhiên, các tia luồng khí trong tinh vân Orion bị chìm trong một trường bức xạ lớn hơn, tạo ra bởi các sao lớn nhất nằm ở trung tâm. Do bức xạ này, khí ở phía trước cũng như khí bị nén lại khi sóng đi qua sẽ nóng lên và bị ion hóa, điều này cho phép chúng ta đo lường chính xác các điều kiện vật lý và thành phần hóa học của luồng khí.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn học ở Tây Ban Nha, Mexico và Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi José Eduardo Méndez Delgado, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại IAC và đại học La Laguna (ULL), đã khám phá ra mối quan hệ phức tạp tính ion hóa đa dạng của khí và các điều kiện vật lý của nó trong HH204, một trong những vật thể Herbig-Haro nổi bật nhất trong tinh vân Orion.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng ở phía trước xung động của HH204, lượng khí dồi dào của các nguyên tố nặng như sắt và niken tăng lên tới 350% so với lượng thường thấy trong tinh vân Orion và điều này cho phép chúng tôi xác định tỷ lệ của các nguyên tố hóa học khác một cách chính xác hơn, góp phần nâng cao kiến thức về sự tiến hóa hóa học trong các vùng lân cận Hệ Mặt Trời. Cũng như sự làm giàu nguyên tố nặng trong pha khí, chúng tôi đã quan sát thấy một vùng phía sau của sóng xung kích được nung nóng bao gồm một phần rất nhỏ của khí và cho phép chúng tôi hiểu được các lớp khác nhau của cấu trúc vật thể Herbig-Haro”, José Eduardo Méndez Delgado - tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Minh Phương
Theo Science Daily