Các nhà khoa học từ Đại học Canterbury ở New Zealand nghi ngờ rằng họ đã xác định được một ngoại hành tinh mới đầy hấp dẫn có một quỹ đạo đặc biệt.
Hành tinh này thu hút sự chú ý vì nó có một số điểm tương đồng kỳ lạ với Trái Đất, nhưng cũng có một số khác biệt rõ rệt. Về kích thước, các nhà khoa học tin rằng hành tinh này có khối lượng khoảng bốn lần khối lượng Trái Đất. Ngôi sao mẹ của nó là một sao lùn mờ nhạt, thậm chí có thể là một sao lùn nâu, hay còn thường được gọi là "sao thất bại". Một năm của hành tinh này, tức là khoảng thời gian nó hoàn thành một vòng quỹ đạo, dài khoảng 617 ngày Trái Đất, mặc dù quỹ đạo của nó (quanh sao mẹ) nằm khoảng đâu đó giữa quỹ đạo Trái Đất và Sao Kim quanh Mặt Trời của chúng ta.
Nhưng nhóm các nhà khoa học phát hiện ra ngoại hành tinh đã không quan sát nó trực tiếp. Họ thậm chí không phát hiện ra nó bằng cách xác định cách nó tương tác với ngôi sao của mình. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu tìm thấy hành tinh này thông qua cách nó và ngôi sao bẻ cong và phóng đại ánh sáng, giống như một thấu kính - một hiện tượng gọi là vi thấu kính hấp dẫn.
Vi thấu kính hấp dẫn dựa trên thực tế là các thiên thể nặng làm cong không gian xung quanh chúng. Khi một kính thiên văn, một thiên thể nặng và mục tiêu nằm thẳng hàng, thiên thể nặng đó sẽ làm cong ánh sáng phát ra từ mục tiêu, và phóng đại nó. Đây là một sự kiện rất hiếm gặp - chỉ một phần triệu số sao được thấu kính phóng đại ở một thời điểm bất kỳ, nghiên cứu mới cho biết.
Để tìm ra hành tinh mới này, các nhà khoa học đã kết hợp các quan sát vi thấu kính được thu thập bởi hai cơ sở: dự án Thí nghiệm Thấu kính Hấp dẫn Quang học tại Ba Lan; và Mạng lưới Kính thiên văn Vi thấu kính của Hàn Quốc, bao gồm bộ ba thiết bị đặt tại Chile, Nam Phi và Australia.
Các nhà khoa học có thể sử dụng những chi tiết chính xác của các quan sát vi thấu kính để tính toán cái gì đóng vai trò là thấu kính - thường là một ngôi sao. Nhưng bằng cách phân tích độ sáng của mục tiêu khi nó đi qua vi thấu kính so với khi không đi qua, các nhà khoa học nhận ra rằng vật thể đóng vai trò thấu kính này thực sự là một hệ sao chứ không phải là một ngôi sao đơn độc. Phát hiện này đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ dữ liệu thu thập trong năm ngày để chọn ra năm giờ dữ liệu quan sát có liên quan, và sau đó xác nhận rằng phát hiện bất thường này không phải do lỗi của thiết bị.
Kết quả nghiên cứu mang đến cho chúng ta một mô tả cơ bản về hệ sao xa xôi: Một ngôi sao khối lượng bằng một phần mười khối lượng Mặt Trời của chúng ta, và một hành tinh có thể có khối lượng gấp bốn lần khối lượng Trái Đất - được gọi là một siêu-Trái Đất hoặc một tiểu-Sao Hải Vương – chuyển động quanh ngôi sao của nó ở khoảng cách giữa quỹ đạo của Sao Kim và Trái Đất. Đó là một sự kết hợp thú vị bởi vì trong số hàng nghìn ngoại hành tinh đã được các nhà khoa học xác định cho đến nay, những hành tinh với những quỹ đạo như vậy là khá hiếm.
Gia Linh
Theo Livescience