collision

Một nghiên cứu mới gợi ý rằng va chạm rất mạnh trong quá khứ mà từ đó Mặt Trăng hình thành cũng có thể đóng vai trò khiến sự sống xuất hiện trên Trái Đất.

Có nhiều giả thuyết về cách mà sự sống trên Trái Đất hình thành, nhiều trong số đó cố gắng giải thích xem hành tinh chúng ta làm cách nào để có được những nguyên liệu cần thiết cho sự sống: các nguyên tố như carbon và ni-tơ.

Trước đây, các nhà khoa học đã gợi ý rằng các thiên thạch mang tới những nguyên tố của sự sống tới Trái Đất. Mặc dù các dấu hiệu đồng vị của những nguyên tố này trên Trái Đất khớp với ở các thiên thạch đó, nhưng tỷ lệ giữa carbon và ni-tơ thì không chính xác. Các thiên thạch được cho là đã mang tới các nguyên tố với tỷ lệ carbon/ni-tơ là 20/1, nhưng tỷ lệ được xác định trên Trái Đất lại là 40/1.

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Rice (Texas, Mỹ) cho rằng thay vào đó, các nguyên tố quan trọng này có thể đã được mang tới trong một va chạm lớn. Các nhà khoa học đã biết từ lâu rằng va chạm giữa Trái Đất sơ khai và một thiên thể cỡ Sao Hỏa đã tạo nên Mặt Trăng. Có lẽ cùng vụ va chạm đó cũng đã mang tới những nguyên tố để sự sống phát sinh.

Để có được kết luận này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô phỏng về sự kiện nêu trên dựa trên một loạt những thí nghiệm để kiểm tra phản ứng của carbon, ni-tơ và lưu huỳnh trong quá trình hình thành lõi của một hành tinh đá. Tiếp đó họ mô phỏng áp suất và nhiệt độ dao trong quá trình hình thành lõi và ước tính lượng carbon và ni-tơ có thể có trong một thiên thể cỡ Sao Hỏa có lõi giàu lưu huỳnh. Cuối cùng, họ có một mô phỏng địa hóa học chính xác với những quan sát đã thu được về carbon, ni-tơ và lưu huỳnh trên Trái Đất.

 

Một kịch bản khả dĩ

Với mô phỏng của mình, cùng với tỷ lệ và nồng độ đã biết về các nguyên tố trên Trái Đất, nhóm nghiên cứu thấy rằng các nguyên tố quan trọng đã không tới Trái Đất trong một cơn mưa thiên thạch mà một cách giải thích hợp lý hơn là tất cả chúng đã tới cùng lúc.

"Mô phỏng của chúng tôi gợi ý rằng kịch bản khả dĩ nhất về nguồn gốc của carbon, ni-tơ và lưu huỳnh ở silicat trên Trái Đất là chúng đã được mang tới bởi một hành tinh cỡ Sao Hỏa (có khối lượng khoảng 8 đến 10% so với Trái Đất ngày nay) và hợp nhất với Trái Đất sơ khai," Rajdeep Dasgupta - đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết. Bên cạnh đó, một hành tinh như vậy nhiều khả năng có một lõi giàu lưu huỳnh.

Nghiên cứu này không giải quyết câu hỏi về việc sự sống đã bắt đầu như thế nào trên Trái Đất, nhưng nó là sự bắt đầu cho việc trả lời câu hỏi về cách mà các thành phần cần thiết cho sự sống đã tới được đây.

"Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về cách sự sống đã khởi đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một cơ chế để kết hợp các vật liệu ban đầu cần thiết cho công thức của sự sống," Dasgupta nói.

Tuấn Phong
Theo Astronomy