Khi mà ngay lúc này tàu không gian Juno của NASA đang chuẩn bị có một cái nhìn cận cảnh hơn về cơn bão khổng lồ trên Sao Mộc thì các nhà thiên văn vẫn tiếp tục bổ sung kiến thức của mình với những quan sát từ mặt đất.

Vết đỏ lớn của Sao Mộc là một cơn bão khổng lồ rộng khoảng 16.500 km và đã tồn tại ít nhất 150 năm. Vào hôm mùng 10 tháng 7 tới đây, tàu không gian Juno sẽ hoàn thành nghiên cứu cận cảnh đầu tiên về cơn bão này khi bay ở độ cao 9.000 km phía trên nó.

Để chuẩn bị cho cơ hội lớn quan sát một trong những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất Hệ Mặt Trời, các kính thiên văn Gemini và Subaru trên đỉnh Mauna Kea đã chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về Sao Mộc để bổ sung dữ liệu mà Juno trông đợi sẽ thu được.

Vì sao mà những quan sát mặt đất lại quan trọng như vậy khi mà Juno đang có quỹ đạo ở ngay phía trên của hành tinh khổng lồ này?

Theo Glenn Orton - nhà nghiên cứu thuộc nhóm dự án Juno tại Phòng thí nghiệm Phản lực (JPL) của NASA: "Những quan sát trên Trái Đất bằng những kính thiên văn mạnh nhất hỗ trợ cho những quan sát được lên kế hoạch của tàu không gian bằng cách cung cấp ba bối cảnh bổ sung. Chúng tôi có được bối cảnh không gian tổng thế khi quan sát toàn bộ hành tinh. Chúng tôi mở rộng và lấp đầy bối cảnh hiện tại bằng cách quan sát những mục tiêu trong khoảng thời gian dài. Và cuối cùng chúng tôi được hỗ trợ bởi quan sát ở những bước sóng mà Juno không quan sát được. Sự kết hợp các quan sát trên Trái Đất cùng với của tàu không gian là một bước đột phá mạnh mẽ để khám phá Sao Mộc."

Hình ảnh Sao Mộc ở dải hồng ngoại do kính thiên văn Bắc Gemini chụp tối 08/05/2017

Hình ảnh ở dải hồng ngoại do máy ghi hình hồng ngoại (NIRI) của kính thiên văn Bắc Gemini thu được vào hôm 18 tháng 5 đã cho phép các nhà thiên văn học khảo sát những vùng cao nhất trong khí quyển Sao Mộc. Nằm ở khu vực cao nhất trong khí quyển hành tinh, Vết đỏ lớn được nhìn thấy là một hình oval màu trắng sáng với những đường vân hẹp ở cả hai bên. Những đường vân này được cho là những đặc tính khí quyển gây ra bởi gió mạnh của cơn bão. Trong cùng đêm đó, kính Subaru đã ghi hình Sao Mộc bằng camera và máy quang phổ hồng ngoại (COMICS). Dữ liệu thu được này đã hé lộ những cấu trúc sâu hơn phía dưới của cơn bão, chẳng hạn như "vùng trong lạnh và mờ đục khi tới gần trung tâm, nhưng ấm và rõ nét hơn ở rìa ngoài" - Orton nói.

Juno được lên kế hoạch sẽ đi qua Vết đỏ lớn vào khoảng 7h06 giờ PDT (tức 21h06 giờ Hà Nội) ngày mùng 10 tháng 7 này. Trong chuyến bay ngang qua này, toàn bộ 8 thiết bị mang theo, cộng thêm camera ghi hình của nó sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu. Mặc dù thực tế thì Vết đỏ lớn đã được ghi hình từ trước, chuyến bay qua vào mùng 10 tháng này sẽ đánh dấu một cái nhìn gần nhất từng có về cơn bão này kể từ khi các nhà thiên văn bắt đầu theo dõi nói từ khoảng năm 1830.

Một trong số nhiều bí ẩn của Vết đỏ lớn là sự thu hẹp của nó. Kể từ khi các tàu Voyager 1 và 2 đo được kích thước của nó là 23.300 km vào năm 1979, nó đã bị thu hẹp tới hàng nghìn km. Một bí ẩn khác được quan tâm là cơ chế chính xác tạo ra màu của nó - ban đầu là màu đỏ, sau đó biến đổi dần sang nâu.

Tàu không gian Juno đã đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc bào vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 2016. Trong năm đầu tiên bay quanh hành tinh khổng lồ này, nó đã gửi về nhiều hình ảnh khác nhau về khí quyển của hành tinh, chụp vào bên trong những vành đai của Sao Mộc, và cho thấy lõi của hành tinh này có thể còn kỳ lạ hơn cả những gì mà các nhà khoa học trông đợi.

L.C

Theo Astronomy