Cách chúng ta khoảng 440 năm ánh sáng, có một hành tinh lớn hơn Sao Hải Vương một chút và nó thực sự đáng chú ý. HAT-P-26b là một hành tinh mà các nhà thiên văn gọi là "Sao Hải Vương nóng" - hành tinh có kích thước xấp xỉ Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương nhưng nằm rất gần sao mẹ.
Về mặt lý thuyết, hành tinh này phải có thành phần cấu tạo rất giống Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương, cũng như có mật độ cao hơn so với những hành tinh khổng lồ khác thuộc nhóm ngoài của Hệ Mặt Trời. Nhưng trên thực tế, hành tinh này chỉ đặc hơn Sao Thổ một chút (Sao Thổ là hành tinh có mật độ thấp nhất Hệ Mặt Trời, khiến cho tỷ trọng của nó thậm chí còn nhẹ hơn nước).
Vậy cái gì khiến cho một hành tinh có kích thước đó lại có mật độ thấp như vậy? Đó là ... nước. Chính xác hơn, đó là hơi nước, bởi nhiệt độ bề mặt của hành tinh này là khoảng 700 độ C, nó không cho phép nước lỏng tồn tại như đại dương của chúng ta.
Hannah Wakeford ở Trung tâm Goddard của NASA là tác giả chính của nghiên cứu mới công bố trên Science. Wakeford cho biết hành tinh này có cấu tạo chính là một lõi đá bên trong và bao phủ bởi nước, với khí quyển gồm hydro và heli chiếm khoảng 15 đến 30% khối lượng hành tinh. Những quan sát của kính Hubble gợi ý rằng nó gần như không có kim loại (trong thiên văn học, mọi nguyên tố không phải hydro và heli đều được coi là kim loại).
"Điều chúng tôi tìm thấy là khác với Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương trong Hệ Mặt Trời của chúng ta - những hành tinh có lượng nguyên tố nặng nhiều gấp 100 lần Mặt Trời, HAT-P-26b có ít kim loại hơn cả Sao Mộc dù nó chỉ có khối lượng cỡ Sao Hải Vương." Wakeford nói. "Điều này trái lại với xu hướng giảm khối lượng đồng nghĩa với tăng lượng kim loại mà chúng ta thấy ở Hệ Mặt Trời."
Bạn có thể coi hành tinh có quỹ đạo kéo dài 4 ngày quanh một sao loại K này là một "Sao Mộc hoặc Sao Thổ mini nóng" thay vì một hành tinh băng khổng lồ. Nó cũng hình thành khác với các hành tinh băng khổng lồ của chúng ta. Lượng hơi nước lớn của nó (gần 90% thành phần cấu tạo của hành tinh) và sự thiếu nguyên tố nặng gợi ý rằng nó đã được hình thành ở rất gần sao mẹ.
"Từ điều này chúng tôi có thể có những manh mối về sự hình thành của hành tinh, chúng gợi ý rằng nó đã hình thành gần ngôi sao của mình hơn so với những hành tinh có khối lượng tương tự trong Hệ Mặt Trời của chúng ta là Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương, và kết quả là nó có một khí quyển ít kim loại," Wakeford nói. "Điều này khác với những gì chúng tôi trông đợi cũng như từng thấy trước đây ở những hành tinh khổng lồ, nó cho chúng tôi một cái nhìn mới vào những hệ hành tinh hình thành và tiến hoá theo cách khác so với hệ của chúng ta.""
L.C
Theo Astronomy