gi1132bHành tinh này có tên GJ 1132b. Nó giữ được khí quyển mặc dù có quỹ đạo quanh một sao nhỏ đang trong thời gian hoạt động. Đây là một điều rất quan trọng, mở ra những hướng đi mới cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.


Trong danh sách các ngoại hành tinh có thể có sự sống, GJ 1132b sẽ không thể thể có cơ hội được nhắc đến. Nó là một siêu Trái Đất (*) với tầng trên của khí quyển đạt nhiệt độ lên đến 500°F (260°C) và càng xuống thấp thì nhiệt độ sẽ càng cao. Nó có quỹ đạo cực ngắn (ở rất gần và hoàn tất một năm trong thời gian là 1,6 ngày Trái Đất).

(*) siêu Trái Đất (super Earth) là các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) có khối lượng lớn hơn Trái Đất và nhỏ hơn các hành tinh khí của Hệ Mặt Trời (cụ thể là nhỏ hơn Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương - hai hành tinh khí nhỏ của Hệ).

Sự sống gần như không có cơ hội nào tồn tại ở đó, tuy nhiên nó lại là một trong những hành tinh quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Vậy tại sao lại như thế?

Lý do đơn giản là vì nó có một bầu khí quyển.

GJ 1132b chuyển động trên quỹ đạo quanh một sao lùn loại M. Sao lùn loại M là những ngôi sao có số lượng nhiều nhất được biết đến trong vũ trụ nhưng cũng là một trong những sao không ổn định nhất. Trong khi chúng có thể tồn tại hàng nghìn tỉ năm thì thời gian vài tỉ năm đầu là lúc thường xuyên xảy ra những hoạt động bùng nổ.

Hầu hết các sao lùn loại M có thể có các hành tinh và một số ít những hành tinh đã biết xung quanh những sao này nằm trong vùng sống được. Sau những sự kiện bùng nổ hoạt động sớm này có thể quét sạch khí quyển của các hành tinh quanh chúng và để lại những tảng đá khô cằn thay vì những gì lẽ ra có thể có nước và khí quyển như Trái Đất.

Và theo như nghiên cứu từ Đài quan sát Nam bán cầu của châu Âu và Viện nghiên cứu Max Planck, GJ 1132b có khí quyển. Bầu khí quyển dường như có lượng hơi nước dồi dào và khí methane có độ dày tương tự như Sao Kim.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Astronomical Journal cho thấy những hành tinh xung quanh sao lùn loại M có thể giữ được khí quyển sau ngay sau những năm đầu không ổn định của nó. GJ 1132b cách chúng ta 39 năm ánh sáng, được xem là một hành tinh già. Như vậy, những hành tinh của sao lùn loại M khác cũng có thể giữ được khí quyển của chúng và các hành tinh nằm trong vùng sống được ở đó có thể có một cách nào đó để phát triển sự sống chứ không chỉ còn là những niềm hi vọng xa vời.

Những thiết bị như kính thiên văn không gian James Webb có thể quan sát các sao lùn loại M khác để xem liệu việc giữ được khí quyển có phổ biến hay không, hay GJ 1132b chỉ là một ngoại lệ.

Mỹ Linh
Theo Astronomy