Hiện tượng thiên văn đáng chú ý đầu tiên của năm 2017 này là mưa sao băng Quadrantids. Mặc dù dường như ít được nhắc tới, nó luôn là một mưa sao băng không nhỏ và năm nay sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn quan sát.

 

Nguồn gốc và đặc điểm

Quadrantids có nguồn gốc từ những phần còn lại của tiểu hành tinh 2003 EH1 - một tiểu hành tinh có quỹ đạo chuyển động quanh Mặt Trời với chu kỳ 5,5 năm. Khi hiện tượng này bắt đầu được quan sát, nó được các nhà thiên văn học đặt tên là Quadrantids do xảy ra trong khu vực của chòm sao Quadrans Muralis. Tuy nhiên, đến năm 1922, chòm sao này đã bị loại khỏi danh sách các chòm sao của thiên văn học hiện đại. Việc qui ước lại này khiến cho khu vực xảy ra mưa sao băng này ngày nay thuộc chòm sao Bootes (do đó cũng có thể gọi là mưa sao băng Bootids, tuy nhiên cái tên này là không chính thức và ít được nhắc tới).

Vào lúc cực điểm, mưa sao băng Quadrantids có thể đạt 50 đến 100 sao băng mỗi giờ, đôi khi còn nhiều hơn. Đây là con số không hề thua kém so với hai mưa sao băng lớn nhất của năm là Geminids và Perseids. Mặc dù vậy, Quadrantids được cho là có ít sao băng dài và sáng hơn, đồng thời cực điểm của nó thường chỉ kéo dài vài giờ thay vì xuyên suốt hai đêm như các trận mưa sao băng lớn khác, do đó nó vẫn thường chỉ được coi là một mưa sao băng trung bình.

Mặc dù vậy, năm nay sẽ là lúc lý tưởng để quan sát hiện tượng này!


Thời điểm và vị trí quan sát

Hiện tượng diễn ra trong chòm sao Bootes, do đó thời điểm lý tưởng nhất là khi chòm sao này đã lên đủ cao vào rạng sáng ngày mùng 4 tháng 1 này (rạng sáng ngày thứ tư), khoảng từ 3 giờ sáng cho tới hết đêm (thực ra bạn có thể quan sát từ sớm hơn, nhưng khi đó chòm sao Bootes lên chưa đủ cao và lượng sao băng quan sát được sẽ rất hạn chế).

Thời điểm nêu trên là một đêm không Trăng, đó sẽ là điều kiện lý tưởng cho người quan sát. Ngoài ra, nếu không có biến động đột ngột về thời tiết thì có vẻ như bầu trời sẽ không mây hoặc rất ít mây trên hầu như toàn bộ diện tích Việt Nam vào thời điểm đó. Mặc dù vậy, ngoài các yếu tố tự nhiên thì ô nhiễm trong khí quyển do ánh sáng và bụi nhân tạo cũng đóng vai trò không nhỏ, do đó bạn vẫn sẽ cần lưu ý điểm này. Người quan sát trong nội thành, nhất là các thành phố lớn hay gần các khu công trường xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quan sát.

Vào rạng sáng 4/1, chòm sao Bootes sẽ nằm ở bầu trời phía Đông, hơi chếch sang Đông Bắc, bắt đầu lên khá cao từ khoảng 3 giờ sáng (tất nhiên nếu có góc nhìn đủ để quan sát tới gần chân trời thì từ 1 giờ bạn đã có thể thấy nó). Nếu chưa có kinh nghiệm xác định các chòm sao thì đơn giản là bạn chỉ cần hướng cái nhìn của mình về hướng Đông và Đông Bắc với độ cao khoảng 30 đến 50 độ và chờ đợi.

Mưa sao băng Quadrantids, hình chụp từ phần mềm Stellarium

Một số điểm cần lưu ý

- Hãy theo dõi thời tiết trước khi tiến hành buổi quan sát của mình. Một cách dễ dàng là tự kiểm tra bằng cách quan sát bầu trời đêm lúc chưa có sao băng, nếu mắt bạn có thể nhìn thấy các ngôi sao thông thường trên bầu trời thì bạn sẽ có thể thấy được sao băng
- Chọn vị trí có góc nhìn càng rộng càng tốt (nóc nhà, các bãi trống ...), nơi không có ánh đèn mạnh chiếu thẳng vào mắt (đèn đường, đèn các phương tiện giao thông, đèn từ các tòa nhà xung quanh)
- Bạn không cần mang theo bất cứ dụng cụ quan sát nào (kính thiên văn, ống nhòm) vì mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất
- Nếu ở tại nhà mình, bạn có thể dùng ghế dài hay bất cứ vật dụng gì cho phép bạn ngả lưng quan sát, vì quan sát sao băng đòi hỏi sự kiên nhẫn mà nếu bạn liên tục ngẩng đầu lên bầu trời sẽ rất nhanh mệt mỏi.
- Đừng quên lưu ý bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn cá nhân cho mình, nhất là khi bạn tới những khu vực vắng người để quan sát.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA)