Pluto được cho rằng có đại dương phía dưới bề mặt của nó, một đại dương không chứa quá nhiều nước. Nó là một manh mối quan trọng để cho tằng các hành tinh lùn khác trong vũ trụ cũng có thể có đại dương kỳ lạ tương tự như vậy. Điều này, theo một điều tra viên của dự án New Horizons, đương nhiên dẫn tới câu hỏi về khả năng có sự sống.

 

William McKinnon là giáo sư về Trái Đất và hành tinh học tại Đại học Washington ở St. Louis, đồng thời là đồng tác giả của hai trong số bốn nghiên cứu mới về Pluto được công bố hôm mùng 1 tháng 12 vừa qua trên Nature. Ông cho rằng bên dưới vùng hình trái tim tên là Spunik Planitia có một đại dương chứa đầy amoniac.

Sự có mặt của chất lỏng không màu có mùi nồng này hỗ trợ việc giải thích không chỉ hướng của Pluto trong không gian mà còn cả sự có mặt của đại dương băng lớn của nó.

Sử dụng các mô hình máy tính với dữ liệu địa hình và thành phần cấu tạo có được từ các quan sát của tàu New Horizons vào tháng 7 năm 2015 khi nó bay qua Pluto, McKinnon đứng đầu một nghiên cứu bề mặt băng ni-tơ của Sputnik Planitia đã được công bố hồi tháng 6 trên Nature. Ông cũng là đồng tác giả của nghiên cứu mới đây về định hướng và hấp dẫn của Pluto gây ra bởi đại dương phía dưới rộng khoảng 1.000km và dày hơn 80km.

"Trên thực tế, New Horizons đã phát hiện được amoniac dạng hợp chất trên vệ tinh lớn  Charon và trên một trong những vệ tinh nhỏ của Pluto," McKinnon nói. "Điều tôi nghĩ tới là ở sâu dưới đó có một đại dương khá độc, rất lạnh, mặn và rất giàu amoniac - gần như nước siro."

"Nó không có chỗ cho các mầm sống, càng không có cho cá hay mực, hoặc bất cứ dạng sống nào mà chúng ra biết," ông bổ sung. "Nhưng với việc có đại dương methane trên Titan - vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ - một câu hỏi xuất hiện là liệu có thực sự có những dạng sống có thể tồn tại trong những chất lỏng lạnh và độc hại như vậy hay không."

Pluto và vệ tinh Charon, bạn có thể thấy Sputnik Planitia là khu vực sáng màu có dạng hơi giống một trái tim.

Khi con người thám hiểm sâu hơn vào vành đai Kuiper và ngày càng xa Trái Đất hơn, McKinnon cho rằng sẽ càng có nhiều khả năng cho khám phá về các đại dương dưới bề mặt các thiên thể và nhiều tiềm năng cho những sự sống kỳ lạ.

"Các thiên thể cỡ Pluto - mà chúng ta đã biết rằng có không chỉ một ở vành đai Kuiper, tất cả có thể có đại dương như vậy. Nhưng chúng rất khác so với đại dương mà chúng ta đã biết," McKinnon nói. "Sự sống có thể chịu đựng được rất nhiều thứ: nó có thể chịu được rất nhiều muối, cực kỳ lạnh hay cực kỳ nóng, .v.v... Nhưng tôi không nghĩ nó có thể chịu được lượng amoniac mà Pluto cần để giữ cho đại dương của nó không bị đóng băng (amoniac là một chất chống đông tuyệt vời). Trên Trái Đất, vi sinh vật trong đất kết hợp ni-tơ với amoniac, một điều rất quan trọng đối với việc tạo ra ADN và các protein."

"Nếu bạn định nói về sự sống trong một đại dương được bao phủ hoàn toàn bởi băng, có vẻ gần như chắc chắn rằng điều tốt nhất bạn có thể hi vọng là những sinh vật cực kỳ nguyên thuỷ, trước cả khi hình thành dạng tế bào, như chúng ta biết về sự sống sơ khai nhất trên Trái Đất."

Nghiên cứu mới công bố cho rằng sự tạo thành của đại dương này có thể do một thiên thể ở vành đai Kuiper với kích thước hơn 200km đã va chạm vào Pluto hơn 4 tỷ năm trước ở nơi hiện nay có Spunik Planitia. Sự sụp đổ của một hố lớn đã đẩy đại dương dưới bề mặt của Pluto lên, và nước đậm đặc (do kết hợp với năng ni-tơ đặc ở bề mặt lấp đầy vào lỗ va chạm) tạo nên một khối lượng lớn dư thừa làm hướng của trục Pluto bị định hướng lại so với vệ tinh lớn của nó (Charon).

Nhưng đại dương sẽ không kéo dài khi mà nước sẽ bị đóng băng. Tuy nhiên nếu được bổ sung đủ amoniac, nước có thể ở dạng lỏng ngay cả khi xuống tới âm 98 độ C, mặc dù nó khá nhớt.

"Tất cả những ý tưởng này về đại dương bên trong Pluto là đáng tin cậy, nhưng chúng chỉ là suy luận, không phải phát hiện trực tiếp," McKinnon nói. "Nếu chúng ta muốn xác nhận rằng đại dương như vậy tồn tại, chúng ta sẽ cần các phép đo lực hấp dẫn hoặc đo radar dưới bề mặt, những điều đó có thể thực hiện bởi nhiệm vụ tương lai sẽ được thực hiện với Pluto."

Bryan
Theo Space Daily