Gần đây, nhiều tờ báo và phương tiện tuyên truyền thông tin về việc đêm Trung thu này (đêm 27/09), chúng ta sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần kết hợp với "siêu trăng", và thậm chí còn đặt cho nó một tên gọi là "siêu Trăng máu". Điều này đã gây chú ý của rất nhiều độc giả quan tâm. Trên thực tế, chúng ta không thể quan sát được nguyệt thực lần này. Còn hiện tượng gọi là "siêu Trăng", về bản chất cũng không phải một điều kì thú như nhiều người tưởng tượng.

Dưới đây là một số khuyến cáo mà VACA muốn gửi tới độc giả yêu thích thiên văn học:



Việt Nam không quan sát được nguyệt thực toàn phần sắp tới

Trước hết, xin lưu ý là nguyệt thực lần này không hề diễn ra vào đêm Trung thu của chúng ta (27/09), mà diễn ra vào khoảng từ 7h11 đến 12h22 (nếu tính cả pha nửa tối) sáng ngày 28/09 theo giờ Việt Nam. Đó là buổi sáng của chúng ta, nên tất nhiên chúng ta không thể quan sát được. Nguyệt thực này chỉ có thể được quan sát tại châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Về tên gọi: hiện nay rất nhiều người hiểu sai rằng nguyệt thực toàn phần còn có tên gọi là "Mặt Trăng máu". Đây là cách hiểu sai!

Hình ảnh minh họa các khu vực có thể quan sát thấy nguyệt thực ngày 28 tháng 09.
Việt Nam không nằm trong vùng quan sát được.

Nhiều báo chí và độc giả hiểu nhầm khi nghe cụm từ này và cho rằng tên gọi đó xuất phát từ màu đỏ của Mặt Trăng khi có nguyệt thực. Nhưng thực ra thì nguyệt thực bao giờ Mặt Trăng cũng đỏ như nhau cả, và thuật ngữ này không hề dùng để chỉ chung hiện tượng nguyệt thực.

Thuật ngữ "Mặt Trăng máu" xuất phát từ Thiên Chúa giáo cho biết đó là điềm báo của ngày tận thế. Tuy nhiên, như đã nói, Mặt Trăng thường xuyên có màu đỏ như máu vào mọi lần nguyệt thực, nên "điềm báo" này không có tác dụng trong nhận thức của nhân loại. Cho tới đầu thế kỉ 21, hai linh mục là John Hagee and Mark Biltz bắt đầu tuyên truyền rằng điềm báo thực sự xảy ra khi có một bộ bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau đúng 6 tuần trăng. Tuyên bố này của họ trùng với 4 nguyệt thực trong thời điểm này. Ba lần nguyệt thực trước đã xảy ra lần lượt vào ngày 15/04/2014, 08/10/2014 và 04/04/2015; lần 28/09 tới đây là lần cuối cùng. Như vậy, về mặt tên gọi khi tạm bỏ qua tính chính xác của khoa học thì nguyệt thực tới đây (mà như chúng ta biết không quan sát được tại Việt Nam) được gọi là "Mặt Trăng máu" cũng không sai. Tuy nhiên xin khuyến cáo để bạn đọc được rõ rằng, sau lần này những nguyệt thực khác không thể được gọi bằng cái tên đó.


Siêu Trăng có quan sát được và có gì đặc biệt không?


Siêu Trăng là gì? Khái niệm này vốn không phải một thuật ngữ chính thống trong thiên văn học, tuy nhiên do được sử dụng nhiều nên về cơ bản nó được chấp nhận. Dù vậy cái tên khá là ..."kêu" của nó khiến nhiều người đặt hơi nhiều kì vọng vào hiện tượng này.

Do Mặt Trăng chuyển động trên quĩ đạo có dạng elip quanh Trái Đất, nên khoảng cách của nó tới Trái Đất không phải là cố định. Điểm xa nhất gọi là viễn điểm và điểm gần nhất gọi là cận điểm. Nếu Mặt Trăng đi tới cận điểm của quĩ đạo trùng hoặc gần trung (chênh lệch một vài giờ) với điểm không Trăng hoặc điểm Trăng tròn thì khi đó người ta gọi nó là "siêu Trăng".

(Cũng xin lưu ý rõ là thời điểm Trăng tròn là một điểm cụ thể khi đĩa sáng Mặt Trăng tròn hoàn hảo nhất, nó không đồng nghĩa với đêm 15 âm lịch)

Tất nhiên, nếu siêu Trăng rơi vào thời điểm không Trăng thì bằng mắt thường chúng ta không quan sát được và như vậy nó không có ý nghĩa gì với người quan sát nghiệp dư. Do đó người ta chỉ quan tâm tới siêu Trăng lúc Trăng tròn.

Lần siêu Trăng sắp tới sẽ diễn ra một cách tương đối chính xác là khoảng 9-10h sáng ngày 28/09. Có nghĩa là đúng thời điểm này thì chúng ta cũng không quan sát được. Tất nhiên, nếu bạn quan sát vào đêm Trung thu, tức là đêm 27/09 thì Mặt Trăng đúng là có lớn và sáng hơn bình thường. Dù vậy, hãy đừng nên đặt nhiều kì vọng vì ngay cả khi điểm được coi là siêu Trăng rơi vào nửa đêm thì đĩa sáng Mặt Trăng cũng chỉ lớn hơn khoảng 14%, khó nhận ra bằng mắt thường nếu Mặt Trăng đang ở trên cao. Mặt khác, riêng đối với các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm khí quyển rất cao, trong đó một phần đáng kể là ô nhiễm ánh sáng, thì việc Mặt Trăng sáng hơn cũng không gây ra khác biệt nào đáng kể khi quan sát.

Tất nhiên, khi nhìn hình ảnh này bạn sẽ thấy Trăng tròn thông thường nhỏ hơn khá rõ rệt, nhưng khi Mặt Trăng nằm cao trên bầu trời trống trải, việc nó lớn thêm một chút không dễ nhận ra, và nếu có thì nó cũng không có gì đặc biệt.


Như vậy, việc cho rằng đêm Trung thu 27/09 này có siêu Trăng cũng không sai, và tất nhiên như tôi có trả lời câu hỏi của nhiều người thì quan sát nó rất an toàn dù bằng mắt hay qua thiết bị nào, vì thực tế cái mà bạn quan sát vẫn chỉ là Trăng tròn mà thôi.

Ngày 26 tháng 09 năm 2015
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam - VACA