Nghiên cứu của giáo sư sinh học Michael Rampino ở đại học New York kết luận rằng chuyển động của Trái Đất trong đĩa thiên hà có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể mặc dù không thường xuyên tới các hiện tượng địa chất và sinh học trên Trái Đất.

Trong bài báo công bố trên Thông báo hàng tháng của Hội thiên văn Hoàng gia, Rampino kết luận rằng chuyển động xuyên qua vật chất tối có thể làm xáo trộn quỹ đạo của các sao chổi và dẫn tới sự tăng nhiệt độ của lõi Trái Đất, cả hai thứ này đều là những nguyên nhân chính dẫn tới những cuộc tuyệt chủng lớn.

Đĩa thiên hà là khu vực của thiên hà Milky Way có chứa Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nó được lấp đầy bởi các sao và các mây khí bụi, và cùng với chúng là vật chất tối - loại vật chất chưa được nắm rõ mà chỉ được phát hiện qua hiệu ứng hấp dẫn của chúng.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy Trái Đất chuyển động quanh đĩa thiên hà (chuyển động cùng cả Hệ Mặt Trời) theo chu kỳ 250 triệu năm. Nhưng đường đi của Trái Đất không phải nằm trên một mặt phẳng mà lượn sóng (lên và xuống so với mặt phẳng đĩa) do nó di chuyển cùng Mặt Trời và các hành tinh, chu kì của biên độ đó là 30 triệu năm.

Phân tích đường chuyển động của Trái Đất trong đĩa thiên hà, Rampino chú ý tới việc những lần cắt qua đĩa của Trái Đất tương ứng với những vụ tuyệt chủng lớn. Vụ va chạm nổi tiếng 66 triệu năm trước với một sao chổi làm tuyệt chủng loài khủng long là một ví dụ điển hình.

Điều gì gây nên sự tương ứng giữa việc chuyển động qua đĩa của Trái Đất và những vụ va chạm hoặc tuyệt chủng sau đó?

Trong khi chuyển động qua đĩa, vật chất tối tập trung số lượng lớn ở đây làm nhiễu loạn đường đi của các sao chổi có quĩ đạo xa Trái Đất, phần rìa của Hệ Mặt Trời. Điều đó có nghĩa là các sao chổi này xuất hiện chuyển động bất thường, tăng khả năng va chạm với hành tinh.

Còn hơn thế nữa, mỗi khi Trái Đất lướt qua mặt phẳng đĩa, vật chất tối còn tập hợp vào lõi của nó. Các hạt vật chất tối hủy lẫn nhau sinh ra nhiệt. Nhiệt tạo thành từ sự hủy vật chất tôi trong lõi Trái Đất trở thành thứ khởi động cho những hiện tượng như sự phun trào núi lửa, tạo thành núi, đảo chiều từ trường, thay đổi mực nước biển - những hiện tượng có chu kì 30 triệu năm.

Qua đó, Rampino gợi ý rằng các hiện tượng vật lý thiên văn này bắt nguồn từ đường đi uốn lượn của Trái Đất qua đĩa thiên hà và tác nhân chủ yếu là của vật chất tối tác động lên lõi hành tinh.

Mô hình của ông về việc vật chất tối tác động lên Trái Đất khi nó chuyển động trong thiên hà có thể gây ảnh hưởng lớn tới hiểu biết của chúng ta về sự phát triển của địa chất và sinh học trên Trái Đất, cũng như các hành tinh khác trong thiên hà.

"Chúng ta đủ may mắn để được sống trên một hành tinh phù hợp cho sự phát triển phức tạp của sự sống", Rampino nói. "Nhưng lịch sử của Trái Đất bị ngắt quãng bởi các cuộc tuyệt chủng lớn, vài trong số đó chúng ta vẫn đang cố gắng giải thích. Rất có thể vật chất tối - một thứ có bản chất chưa rõ ràng nhưng chiếm tới một phần tư của vũ trụ - đang giữ câu trả lời của chúng ta. Ở qui mô tổng quát, vật chất tối có thể có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống trên Trái Đất."

Trong tương lai, Rampino cho biết, các nhà địa chất có thể kết hợp các kết quả nghiên cứu vật lý thiên văn để hiểu rõ hơn về những sự kiện mà ngày nay được cho là có nguyên nhân chỉ từ chính Trái Đất. Mô hình này cũng mang lại những hiểu biết mới về khả năng phân bố và cách hành xử của vật chất tối trong thiên hà.

Bryan (VACA)
Theo Space Daily