Một sao lùn nâu, với bầu trời màu đỏ bất thường đã được phát hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn học từ Trung tâm nghiên cứu Vật lý thiên văn của Đại học Hertfordshire.

Sao lùn nâu là dạng thiên thể nằm ở ranh giới giữa sao và hành tinh. Chúng quá lớn để được xem là hành tinh, nhưng chúng cũng không có đủ nặng để tổng hợp hydro trong lõi của mình để phát triển đầy đủ thành những ngôi sao. Khối lượng của chúng nằm ở khoảng giữa các ngôi sao giống như Mặt Trời của chúng ta và các hành tinh khổng lồ như Sao Mộc và Sao Thổ. Đôi khi chúng được mô tả như những ngôi sao thất bại, bởi chúng không có nguồn năng lượng từ bên trong, vì vậy sao lùn nâu lạnh và rất mờ nhạt, và chúng vẫn tiếp tục lạnh đi theo thời gian.

Sao lùn nâu có tên là ULAS J222711-004.547, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu bởi bề ngoài cực kỳ đỏ của nó so với các sao lùn nâu "bình thường". Quan sát xa hơn với VLT (Kính Thiên văn cực lớn) tại Chile và việc sử dụng một kỹ thuật phân tích dữ liệu tiên tiến đã chỉ ra rằng nguyên nhân tạo nên nét đặc biệt này là sự hiện diện của một lớp mây rất dày trong bầu khí quyển phía trên của nó.

Federico Marocco, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Hertfordshire, cho biết: "Đây không phải là loại mây mà chúng ta thường thấy trên Trái Đất. Những đám mây dày trên sao lùn nâu đặc biệt này chủ yếu được làm bằng bụi khoáng chất, như enstatite và corundum.

"Chúng tôi không chỉ có thể suy ra sự hiện diện của chúng, mà chúng tôi còn có thể ước tính kích thước của các hạt bụi trong đám mây."

Kích thước của các hạt bụi ảnh hưởng đến màu sắc của bầu trời. Tương tự như câu tục ngữ cổ "Bầu trời đỏ vào ban đêm là niềm vui của người chăn cừu. Bầu trời đỏ vào buổi sáng là lời cảnh báo của người chăn cừu" được sử dụng vào lúc bình minh và hoàng hôn để cho biết sự thay đổi thời tiết (tức là nếu bầu trời đỏ vào ban đêm thì báo hiệu thời tiết đẹp, còn nếu màu đỏ vào buổi sáng thì thời tiết sẽ rất xấu), bầu trời màu đỏ trên sao lùn nâu cho thấy một bầu khí quyển nặng nề với bụi và các hạt ẩm. Nếu bầu trời buổi sáng của chúng ta có màu đỏ, đó là vì bầu trời trong ở phía đông cho phép ánh mặt trời chiếu sáng mặt dưới của những đám mây ẩm đến từ phía tây. Ngược lại, để nhìn thấy những đám mây màu đỏ vào buổi tối, ánh sáng mặt trời cần phải đi qua một bầu trời trong suốt ở phía tây để chiếu sáng những đám mây ẩm di chuyển ra phía đông. Tuy nhiên, sao lùn nâu được phát hiện ra gần đây là ULAS J222711-004.547 có một bầu khí quyển rất khác, nơi bầu trời luôn luôn là màu đỏ.

Các hành tinh khổng lồ của Hệ Mặt Trời, như Sao Mộc và Sao Thổ, cho thấy các lớp mây khác nhau bao gồm ammoniac và hydro sunfua cũng như hơi nước. Bầu khí quyển quan sát thấy ở sao lùn nâu đặc biệt này nóng hơn - với hơi nước, khí mêtan và có thể là một ít ammoniac nhưng, một cách bất thường, nó bị chi phối bởi các hạt khoáng chất có kích thước bằng hạt đất sét.

Có được sự hiểu biết tốt về cách mà một bầu khí quyển khắc nghiệt như vậy hoạt động sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phạm vi mà bầu khí quyển có thể tồn tại.
Tiến sĩ Avril Day-JonestừTrung tâm nghiên cứu Vật lý thiên văn của Đại học Hertfordshire, người đóng góp vào việc phát hiện và phân tích cho biết: "Là một trong những ngôi sao lùn nâu đỏ nhất từ trước đến nay, ULAS J222711-004.547 là một mục tiêu lý tưởng cho nhiều quan sát để hiểu về thời tiết trong bầu khí quyển khắc nghiệt như vậy. "

"Bằng cách nghiên cứu các thành phần và sự thay đổi độ sáng và màu sắc của các đối tượng này, chúng ta có thể hiểu được hoạt động của thời tiết trên sao lùn nâu và mối liên hệ của nó vớicác hành tinh khổng lồ khác."

Gia Linh (VACA)
Theo Sciencedaily