Một năm lại qua đi và năm mới lại đến. Trong khi mỗi năm dương lịch tới chúng ta lại hiểu rằng Trái Đất vừa bắt đầu một hành trình mới trên quỹ đạo chuyển động quanh Mặt Trời thì mỗi năm âm lịch xác lập 12 chu kì của Mặt Trăng khi nó chuyển động quanh Trái Đất (13 chu kì đối với năm nhuận âm lịch). Nhân dịp năm mới, xin dành đôi lời chia sẻ cùng các độc giả của website Thiên văn Việt Nam.

Kính thưa quí độc giả, Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) được thành lập từ một ngày tháng ba năm 2002, với tiền thân là một câu lạc bộ của những người trẻ tuổi (đa phần là sinh viên các ngành khoa học, kĩ thuật), hoạt động dưới hình thức một diễn đàn nhỏ trên internet xen kẽ một số buổi họp mặt, thảo luận chuyên môn. Gần 12 năm trôi qua, VACA đã đạt được khong ít thành tựu trên con đường phổ biến kiến thức thiên văn tại Việt Nam. Hơn 10 năm trước, nhắc từ "thiên văn học" trước mặt một sinh viên ngành kĩ thuật, nhiều người còn chưa hình dung được đó là cái gì, số khác nhầm tưởng với khí tượng, dự báo thời tiết hay thậm chí tệ hơn là chiêm tinh, bói toán ... Ngày nay, thiên văn học đã được nhắc tới rộng rãi, tên và lịch trình các hiện tượng thiên văn như nhật thực, nguyệt thực, mưa sao băng, ... được đưa lên khắp các trang báo, được người người nhắc đến. Thông tin và kiến thức thiên văn học bằng tiếng Việt nếu như trước đây chỉ có những mảnh rời rạc trong vài ba chục cuốn sách cũ được xuất bản với số lượng hạn chế thì ngày nay có thể dễ dàng tìm thấy trên rất nhiều website hay chỉ đơn giản là một thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google; ...

Chúng tôi, những người đã và đang xây dựng VACA. tự hào vì đã đóng góp một phần không hề nhỏ vào toàn bộ công cuộc đó. Những gì mà VACA đã làm không được, và cũng không cần được, ghi nhận bởi những vinh quang hào nhoáng như huân chương, giấy khen, danh hiệu hay những sự kiện vang dội. Bản thân khoa học vốn giản dị như vậy, và vinh quang của người làm khoa học là ở tri thức và lương tri chứ chẳng lúc nào là những ánh hào quang đó...

Đã có lần, có bạn trẻ hỏi tôi rằng tại sao tôi không đặt cho VACA hay cho bản thân mình mục tiêu phải được danh hiệu này, giải thưởng kia. Khi đó tôi chỉ cười, nhưng điều mà tôi đã luôn tâm niệm là: Nếu làm khoa học mà đặt việc người ta vinh danh mình là cái đích thì bản thân tôi đã chẳng còn là nhà khoa học nữa.

Cũng có lần, một nhà khoa học lớn tuổi và cũng rất nhiều uy tín ở Việt Nam bảo tôi rằng tôi nên đi theo con đường nghiên cứu chuyên sâu, vì làm khoa học mà không nghiên cứu được cái gì, cứ đi làm anh thầy giáo thì tầm thường quá. Thực lòng, tôi vô cùng kính trọng nhà khoa học đó, ở một khía cạnh nào đó tôi cũng coi ông là thầy, và vì thế, tôi cũng chỉ cười. Trong suy nghĩ của tôi, ở Việt Nam, nếu chỉ nghiên cứu để thấy mình không "tầm thường" thì phải chăng là quá ích kỉ? Ở một đất nước mà trong khi thế giới đã đặt chân xuống đáy đại dương, lên tới Mặt Trăng và nhìn sâu vào cấu tạo của từng nguyên tử hàng chục năm nay thì người dân chúng ta vẫn xa lạ với khoa học, mê tín dị đoan vẫn tràn ngập khắp mọi nơi, người ta vẫn tin vào những lời mê hoặc chỉ bằng đôi ba cái uốn lưỡi của những kẻ trục lợi hơn là tin vào những thứ được thực nghiệm chứng minh ..., tôi thấy người làm khoa học có nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều là thay đổi những nhận thức đó thông qua con đường giáo dục và phổ biến. Chúng ta đã có những cá nhân vang danh thế giới ư? Chúng ta đã có người được nhận Fields cao quí ư? Đáng tự hào lắm, đáng "vênh mặt" với thế giới lắm... Nhưng ... chẳng nghĩa lý gì nếu có tới 50 triệu người không cả biết Mặt Trời là một ngôi sao mà Trái Đất đang chuyển động quanh nó...

Vậy nên, làm khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng ở Việt Nam, tôi và các cộng sự của mình, chúng tôi chọn con đường của những người làm giáo dục!

Nếu quan sát kĩ một chút thôi, chúng ta sẽ thấy rằng những năm gần đây, thông tin và kiến thức thiên văn tới được với người dân ngày càng nhiều, như tôi đã nhắc ở bên trên. Đó thực sự là điều hết sức đáng mừng. Thế những, sự phát triển nhận thức của chúng ta cho tới tận lúc này, xét theo khía cạnh nào đó, cũng giống như một đứa trẻ nhỏ. Sự phát triển cần được định hướng theo từng giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu tiên khi bắt đầu biết nhận thức thế giới, đứa trẻ được tự do tiếp thu bất cứ thông tin nào, miễn rằng về mặt tổng quát thì ... nó không sai. Lượng thông tin cứ tiếp tục nhiều lên và cho tới một ngày đứa trẻ sẽ phải chọn lọc chúng để biết những thông tin nào đúng và những thông tin nào chưa chính xác, phần nào cần giữ lại và phần nào cần loại bỏ. Nếu thát bại trong quá trình này vì thiếu sự hướng dẫn (mà chúng ta vẫn gọi là giáo dục) thì thế giới quan của đứa trẻ sẽ sai lạc, khiếm khuyết hay thậm chí là vô giá trị.

Việc tiếp nhận kiến thức của một môn khoa học còn mới mẻ ở đất nước chúng ta cũng như vậy. Chúng ta đã có những năm để kiến thức được đưa tới khắp mọi người theo cái cách mà người ta để cho những đứa trẻ tự do tiếp nhận thông tin. Nhưng rồi, khi mọi thông tin và kiến thức đó đều đã trở nên phổ biến và dễ dàng, nếu không có sự định hướng và chọn lọc, nhiều người trong chúng ta sẽ tiếp nhận những thông tin sai, và thậm chí mất đi sự sáng suốt của mình. Trong một vài lần tổ chức quan sát các hiện tượng thiên văn, tôi có dịp thấy rất nhiều người, hầu hết là các bạn trẻ tới tham gia, và người ta lại nói với chúng tôi rằng đó là những tín hiệu thật tuyệt diệu. Tôi không hẳn phủ nhận điều đó, nhưng bên cạnh đó tôi lại nhận ra một điều đáng tiếc là: Hầu hết người ta chỉ mới coi thiên văn học là một trò chơi hay một hoạt động giải trí thú vị để đổi không khí. Xét theo một khía cạnh nào đó, chúng tôi vẫn may mắn với điều đó vì đã thông qua đó truyền tải được tri thức của mình tới nhiều người hơn. Nhưng trên hết, chúng tôi không có ý định để thiên văn học mãi là một thú vui của những người trẻ. Thiên văn học là một khoa học, mỗi khoa học đều vô cùng cần thiết với sự cấu thành một thế giới quan đầy đủ, một tư duy có trình tự, hơn thế nữa, chắc nhiều độc giả đã biết rằng thiên văn học là một khoa học không thể thiếu trong những tiện nghi chúng ta sử dụng ngày nay.

Bản thân tôi, tác giả của bài viết này, vốn không học chuyên ngành về Vật lý hay Thiên văn học. Tôi say mê khoa học từ nhỏ và dù không theo nó theo cái cách mà xã hội hay gọi là "chính thống" nhưng tôi hiểu sâu sắc rằng để xây dựng một quốc gia vững mạnh, một xã hội đầy những đam mê và những con người sáng suốt thì việc đưa thế giới quan khoa học tới với mỗi người là không thể không làm. VACA khác với các tổ chức hoạt động trên cơ sở tìm kiếm lợi nhuận hay danh tiếng, cũng không phải một "sân chơi" cho những người thích ngắm bầu trời, chúng tôi xây dựng VACA để mang lại tri thức cho chính mình và cho mỗi người cần đến chúng. Trên con đường chẳng hề dễ dàng đó, chúng tôi đã có nhiều thành công nhưng cũng nhiều lần không được như mong muốn. Trên hết, để tồn tại và tiếp tục mục tiêu của mình tới ngay hôm nay, ngoài ý chí và đam mê vô tận của mỗi con người đang cùng chung sức xây dựng, chúng tôi không thể không cám ơn tất cả các quý độc giả, các bạn bè và đồng nghiệp đã luôn dõi theo và ủng hộ.



Một năm mới lại đến và VACA sắp kỉ niệm 12 năm ngày thành lập, xin chúc quý độc giả một năm sức khỏe và tri thức cùng nhiều niềm vui trong cuộc sống và những đam mê trong công việc và học tập. Mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý độc giả trên những chặng đường tiếp theo của VACA.

Ngày 30 tháng 01 năm 2014
Thay mặt VACA
Chủ tịch

Đặng Vũ Tuấn Sơn