Các manh mối ủng hộ ý tưởng rằng hệ sao đôi hình thành khi một đĩa khí và bụi xoay xung quanh các mảnh vật chất của ngôi sao trẻ, tạo thành một ngôi sao mới trong cùng quỹ đạo với ngôi sao đầu tiên.

 

Sử dụng các tính năng mới nâng cấp của Tổ hợp kính lớn Karl G. Jansky (VLA), các nhà khoa học đã phát hiện ra những ngôi sao đồng hành trước đó chưa từng được nhìn thấy trong các tiền sao rất trẻ. Phát hiện này ủng hộ mạnh mẽ cho một trong những lời giải thích về sự hình thành các hệ sao đôi.

Các nhà thiên văn học biết rằng khoảng một nửa trong tất cả các ngôi sao giống Mặt Trời là thành viên của hệ hai hoặc nhiều sao, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về cách mà các hệ như vậy được hình thành.

"Cách duy nhất để giải quyết các cuộc tranh luận là quan sát hệ sao trẻ và tóm được chúng trong quá trình hình thành", ông John Tobin của Đài thiên văn vô tuyến quốc gia (NRAO) ở Socorro, New Mexico cho biết. "Đó là những gì chúng tôi đã thực hiện với các ngôi sao mà chúng tôi quan sát, và chúng tôi đã tìm thấy những manh mối mới có giá trị từ chúng."

 

 

Hình trên: Sự hình thành sao đôi từcác mảnh vật chất trong đĩa khí bụi bắt đầu (hình ở bên trái) với một ngôi sao trẻ được bao quanh bởi một đĩa khí và bụi đang quay. Các mảnh vật chất của đĩa dưới lực hấp dẫn của riêng mình, hình thành một ngôi sao thứ hai trong đĩa (hình giữa), ngôi sao này cũng được bao quanh bởi đĩa khí và bụi riêng. Ở hình bên phải, hai ngôi sao tạo thành một cặp sao quay quanh nhau. (100 đơn vị thiên văn [AU] là khoảng bằng đường kính của hệ Mặt Trời chúng ta.)

 

Các manh mối mới của họ ủng hộ ý tưởng cho rằng hệ sao đôi hình thành khi một đĩa khí và bụi quay xung quanh các mảnh vật chất một ngôi sao trẻ, tạo thành một ngôi sao mới với quĩ đạo liên kết với ngôi sao đầu tiên. Các sao trẻ đó tiếp tục lấy vật chất từ môi trường xung quanh tạo thành các đĩa khí bụi với những luồng chảy giống như phản lực đẩy nhanh vật chất theo những luồng hẹp vuông góc với đĩa.

Khi Tobin và một nhóm các nhà thiên văn học nghiên cứu những ngôi sao trẻ bao phủ bởi khí cách Trái Đất trong vòng khoảng 1.000 năm ánh sáng, họ phát hiện thấy hai ngôi sao có những người bạn đồng hành chưa từng được nhìn thấy trước đây trong mặt phẳng tại nơi mà họ cho rằng là đĩa khí bụi của chúng, vuông góc với hướng của luồng vật chất từ các hệ này. Một trong những hệ này cũng rõ ràng là có một đĩa khí bụi xung quanh cả hai ngôi sao trẻ.

"Điều này phù hợp với mô hình lý thuyết về ngôi sao đồng hành hình thành từ các mảnh vật chất trong đĩa", Tobin nói. "Hình dạng này sẽ không cần đến một lời giải thích nào thay thế."

Các quan sát đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho ý tưởng về sự hình thành sao từ đĩa khí bụi. Năm 2006, một nhóm quan sát khác của VLA đã tìm thấy một cặp hai ngôi sao trẻ quay quanh nhau, mỗi sao trong số đó được bao quanh bởi một đĩa vật chất. Hai đĩa mà họ tìm thấy liên kết với nhau trong cùng một mặt phẳng. Năm ngoái, Tobin và các đồng nghiệp của ông lại tìm thấy một đĩa khí và bụi lớn tạo thành xung quanh một tiền sao đang trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành. Điều này cho thấy các đĩa khí bụi hiện diện rất sớm trong quá trình hình thành sao, đó là điều cần thiết cho các cặp sao đôi hình thành từ các mảnh vật chấtcủa đĩa.

"Những phát hiện mới của chúng tôi, kết hợp với những dữ liệu trước đó, làm cho lý thuyết về sự hình thành sao từ đĩa là lời giải thích mạnh mẽ nhất cho cách mà các hệ nhiều sao hình thành", Leslie Looney của NRAO nói.

"Sự tăng độ nhạy của của VLA, được chế tạo bởi một dự án nâng cấp kéo dài một thập kỉ hoàn thành vào năm 2012, đã dẫn đến những phát hiện mới", Claire Chandler của NRAO nói.

Khả năng mới đặc biệt quan trọngcủa VLA là có thể quan sát ở dải tần số cao nhất từ 40 đến 50 GHz, nơi mà bụi trong các đĩa xung quanh ngôi sao trẻ phát ra sóng vô tuyến. Các nhà thiên văn học đã quan sát những ngôi sao trẻ trong suốt năm 2012 với VLA và tổ hợp kính dành cho nghiên cứu thiên văn ở bước sóng milimet ở California.

Gia Linh (VACA)
Theo Astronomy