Phản vật chất đã được phát hiện trong những quầng lửa Mặt Trời qua dữ liệu vi ba và từ trường, theo một bài trình bày của giáo sư Gregory D. Fleishman tại viện công nghệ New Jersey (NJIT) và hai đồng nghiệp tại buổi họp thứ 44 của ban Vật lý Mặt Trời, Hội Thiên văn học Mỹ.

Nghiên cứu này làm sáng tỏ những câu đố về sự không đối xứng giữa vật chất và phản vật chất thông qua việc thu thập dữ liệu trên một quy mô rất lớn bằng cách sử dụng Mặt Trời như một phòng thí nghiệm.

Phản hạt chỉ có thể được tạo ra và phát hiện với các thí nghiệm gia tốc hạt tốn kém và phức tạp, vì vậy chúng rất khó nghiên cứu. Tuy nhiên, Fleishman và hai đồng nghiệp đã thông báo phát hiện các phản hạt đầu tiên - positron - được tạo ra trong các tương tác hạt nhân làm gia tốc các ion trong lửa Mặt Trời, thông qua việc phân tích các sóng vi ba có sẵn và dữ liệu từ trường thu được từ các thiết bị chuyên dụng và tàu không gian nghiên cứu Mặt Trời.

Những hạt như vậy được tạo ra trong lửa Mặt Trời không phải là một bất ngờ, nhưng đây là lần đầu tiên tác động trực tiếp của chúng đã được phát hiện.

Kết quả nghiên cứu này mang lại những hiểu biết quý giá thông qua phát hiện từ xa các phản hạt tương đối tính tại Mặt Trời và, có khả năng, các đối tượng vật lý thiên văn khác bằng phương tiện của các đài quan sát thiên văn vô tuyến.

Khả năng phát hiện các phản hạt hứa hẹn sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về cấu trúc cơ bản vật chất và của các quá trình năng lượng cao như lửa Mặt Trời, quá trình thường xuyên có tác động lớn trên mặt đất, nhưng cũng cung cấp một phòng thí nghiệm thiên nhiên để giải mã những bí ẩn cơ bản nhất của vũ trụ nơi chúng ta đang sống.

Electron và phản hạt của chúng, positron, có các tính chất vật lý như nhau, ngoại trừ các electron có điện tích âm trong khi positron, như tên của nó, có điện tích dương.

Sự khác biệt này làm positron phát xạ ngược chiều với phát xạ vô tuyến phân cực tròn, mà Fleishman và các đồng nghiệp sử dụng để phân biệt chúng.

Để làm việc này cần biết được hướng của từ trường trong lửa Mặt Trời, được cung cấp bởi Đài thiên văn Nhật quyển và Năng lượng Mặt Trời của NASA (SOHO), và hình ảnh vô tuyến ở hai tần số từ kính viễn vọng radio quan sát Mặt Trời Nobeyama của Nhật Bản.

Fleishman và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng bức xạ vô tuyến từ quầng lửa lửa bị phân cực theo chiều thông thường (do nhiều electron) ở tần số thấp hơn (năng lượng thấp hơn), nơi mà tác dụng của positron dự kiến ​​là nhỏ, nhưng ngược lại tại cùng một vị trí, mặc dù ở tần số cao hơn (năng lượng cao hơn), nơi positron có thể chiếm ưu thế.

Gia Linh (VACA)
Theo Space Daily