Rạng sáng ngày 26 tháng 4, người yêu thích thiên văn sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần. Đây là một trong hai lần nguyệt thực có thể quan sát được tại Việt Nam trong năm nay.

Đây là hiện tượng nguyệt thực một phần rất nhỏ, có nghĩa là chỉ có một phần rất nhỏ của Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và chuyển sang màu đỏ thẫm, phần còn lại nằm trong vùng bóng nửa tối, nên chỉ chuyển sang màu đỏ nhạt (nguyệt thực nửa tối)

Nguyệt thực lần này có thể được quan sát trên một dải rộng từ châu Á tới hết châu Âu, châu Phi. Khác với những lần nguyệt thực khác trong những năm gần đây đã được quan sát tại Việt Nam, nguyệt thực lần này diễn ra vào quá nửa đêm (giờ Việt Nam). Vào giờ này, ánh đèn đô thị ít và không khí trong lành hơn nên nếu trời không có mây, người quan sát sẽ có cơ hội ngắm nhìn bề mặt Mặt Trăng rõ nét hơn.


Bản đồ những vùng có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực. Việt Nam nằm trong khu vực quan sát được trọn vẹn hiện tượng này (Nguồn hình ảnh: Timeanddate.com)

Dưới đây là thời gian để quan sát hiện tượng này vào rạng sáng 26/4/2013 theo tính toán của NASA (đã đổi sang giờ Việt Nam)
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 1h03
- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 2h54
- Cực đại : 3h07
- Nguyệt thực một phần kết thúc: 3h21
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 5h11

Quan sát:
Nguyệt thực tuyệt đối an toàn cho mắt, do đó người quan sát không cần bất cứ dụng cụ nào hỗ trợ mà hoàn toàn có thể dùng mắt thường.
Bề mặt Mặt Trăng sẽ đẹp và rõ hơn nếu việc quan sát được hỗ trợ bởi một kính thiên văn nhỏ, ống nhòm hay camera.

Lưu ý: ở pha nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng chỉ chuyển sang màu đỏ nhạt và tối hơn bình thường một chút. Để quan sát thấy Mặt Trăng có màu đỏ thật đậm, người quan sát cần đợi tới đúng thời điểm bắt đầu nguyệt thực một phần như đã nêu trên. Tuy nhiên lần nguyệt thực này, phần đi hẳn vào bóng tối Trái Đất của Mặt Trăng là rất nhỏ.

VACA sẽ tiếp tục thông tin về việc quan sát hiện tượng này.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (VACA)