night sky

Con người sợ bóng tối một cách tự nhiên. Đôi khi, chúng ta tưởng tượng ra những con quái vật dưới gầm giường và bước chân nhanh hơn trên phố vào buổi tối. Để chế ngự nỗi sợ của mình, nhiều người để đèn sáng vào ban đêm hoặc để đèn ngoài hiên như một cách để chống lại sự xuất hiện của những "con quái vật" đó.

Nhưng, trong khi co cụm một cách an toàn trong bể ánh sáng của mình, chúng ta để mất kết nối với bầu trời đêm. Theo két quả đếm sao của một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tên là Globe at Night thì từ năm 2021 tới năm 2022, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, những can thiệp ở cấp độ địa phương có thể tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.

Ô nhiễm ánh sáng làm mất kết nối của chúng ta với một trong những kỳ quan tuyệt diệu nhất của tự nhiên, đe dọa đời sống hoang dã và ngăn cản những nghiên cứu có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu. Những ngôi sao không chỉ là những đốm sáng lấp lánh trên bầu trời đêm. Chúng đã định hình hệ thống thần thoại của mọi nền văn minh nhân loại. Chúng dẫn đường cho các loài chim trên hành trình di cư. Và giờ đây chúng ta cần góp phần của mình vào việc ngăn cản ô nhiễm ánh sáng để các ngôi sao có thể là một phần của tương lai.

Mắt của con người có thể xác định được khoảng 5.000 ngôi sao trên bầu trời đêm. Nhưng ánh sáng phát ra từ những tòa nhà cao tầng, những ngọn đèn đường và những căn nhà che mờ đi gần như tất cả và chỉ để lại những ngôi sao sáng nhất.

Tổ tiên của chúng ta đã dựa vào sự mọc và lặn của các chòm sao để xây dựng nên hệ thống lịch. Họ cũng đã dùng các chòm sao để định hướng trong hành trình tìm kiếm những vùng đất mới hoặc vạch ra những tuyến đường thương mại hàng hải. Các thủy thủ ngày nay không còn thường xuyên dùng tới các ngôi sao để dẫn đường nữa, nhưng họ vẫn được dạy cách tìm kiếm chúng để đề phòng trường hợp hệ thống định vị gặp vấn đề.

Các loài động vật di cư, bao gồm các loài chim và côn trùng, đang bị kéo ra xa khỏi đường bay thông thường của chúng bởi sự vẫy gọi của ánh sáng từ các thành phố. Mùa hè năm 2019, Las Vegas đã bị xâm chiếm bởi hàng triệu con châu chấu bay lạc đường, còn cặp luồng sáng 9/11 Tribute in Light ở New York mà người ta làm để tưởng niệm sự kiện 11 tháng 9 trở thành thanh nam châm thu hút các đàn chim di cư vào ban đêm.

Mất phương hướng bởi ánh sáng của các thành phố vào ban đêm, chim chóc có thể lao vào các tòa nhà cao tầng. Số lượng côn trùng đang giảm nhanh trên toàn thế giới và ô nhiễm ánh sáng đang tiếp tục làm mọi thứ nghiêm trọng thêm khi phá hoại vòng đời về đêm của chúng.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Ô nhiễm ánh sáng có cùng nguyên nhân vật lý với việc bầu trời có màu xanh vào ban ngày. Ánh sáng Mặt Trời được tạo thành từ mọi dải màu tạo nên cầu vồng và mỗi màu có một bước sóng khác nhau. Không khí bao quanh chúng ta (khí quyển của Trái Đất) bao gồm rất nhiều hạt cực nhỏ, là các phân tử khí như oxy hay carbon dioxide.

Khi ánh sáng từ Mặt Trời đi vào khí quyển, nó bị tán xạ bởi những hạt này theo nhiều hướng khác nhau. Ánh sáng màu xanh (có bước sóng ngắn hơn) bị tán xạ nhiều hơn ánh sáng đỏ (bước sóng dài hơn). Kết quả là mắt của chúng ta nhìn thấy ánh sáng màu xanh nhiều hơn từ mọi phía của bầu trời.

Vào ban đêm, ánh sáng nhân tạo tán xạ theo cách tương tự khiến cho bầu trời sáng hơn. Một phần của bầu trời vẫn sáng lên bởi nguyên nhân tự nhiên, như là ánh sáng từ các ngôi sao hay là chính khí quyển của Trái Đất, tuy nhiên hầu hết ánh sáng vào ban đêm là nhân tạo.

Ô nhiễm ánh sáng cũng ảnh hưởng tới khả năng nghiên cứu vũ trụ của chúng ta. Ngay cả những quan sát hiện đại được thực hiện từ xa trên những đỉnh núi cao vẫn bị ảnh hưởng bởi độ sáng của bầu trời. Có tới 3/4 số đài quan sát ngày nay đang bị ảnh hưởng bởi ánh sáng nhân tạo.

 

Nhìn lên cao

Tất nhiên, không có lý do gì để phải tuyệt vọng. Chúng ta đã tạo ra ô nhiễm ánh sáng thì cũng có thể sửa chữa việc đó.

Trên khắp thế giới, các tổ chức về bầu trời đêm đang nỗ lực để giáo dục cộng đồng về những đe dọa tới từ ô nhiễm ánh sáng, vận động để sớm ban hành luật lệ về việc bảo vệ bầu trời đêm, cũng như vận động mọi người lấy lại kết nối của chúng ta với bầu trời đầy sao.

Chống ô nhiễm ánh sáng có thể được bắt đầu ngay tại nhà của bạn. Nếu bạn cần có đèn trước cửa nhà để bảo đảm an toàn, hãy dùng loại có chụp đèn để chỉ chiếu sáng xuống dưới. Hãy dùng các loại bóng đèn ít phá ra ánh sáng xanh và tím bởi chúng gây nguy hại cho đời sống hoang dã. Những hệ thông điều khiển ánh sáng thông minh cũng giúp giảm sự ảnh hưởng của căn nhà của bạn tới thế giới hoang dã và giúp bạn dễ dàng quan sát bầu trời đêm hơn.

Bạn cũng sẽ tìm thấy những bản đồ tương tác cho thấy mức độ ô nhiễm ánh sáng ở khu vực của bạn. Những bản đồ này được tạo nên từ dữ liệu thu được bởi các vệ tinh và các nhà khoa học hoặc người yêu khoa học trên khắp thế giới, và qua đó bạn có thể góp phần làm bầu trời của chúng ta bớt sáng hơn.

Ở Anh, chiến dịch đếm sao hàng năm sẽ diễn ra từ ngày 17 tới 24 tháng 2 này. Và dù bạn ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể tham gia chương trình Globe at Night kéo dài nhiều năm này.

Nhiệm vụ rất đơn giản: hãy ra ngoài vào một đêm trời trong, đếm xem bạn thấy bao nhiêu ngôi sao trong một chòm sao nổi tiếng - chẳng hạn như Orion, rồi báo cáo lại.

Để đánh bại ô nhiễm ánh sáng, chúng ta cần biết được mức độ nghiêm trọng của nó và sự khác biệt trong chính sách quốc gia và các địa phương (chẳng hạn như việc thay thế các bóng đèn đường ở khu bạn ở). Một ví dụ là ở Anh, việc đếm sao cho thấy ô nhiễm ánh sáng đạt cực điểm vào năm 2020 và đang bắt đầu giảm dần.

Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của việc đếm sao là nó cho thấy bầu trời đầy sao của chúng ta đang dần biến mất và việc đó thôi thúc chúng ta hành động. Cuối cùng, việc giảm thiểu ảnh hưởng của chúng ta lên bầu trời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, bằng cách thay đổi cách chúng ta thắp sáng nhà cửa và khu phố của mình, đồng thời vận động để sớm có những luật lệ về bầu trời đêm được thông qua.

Bryan
Theo The Conversasion

Ở Việt Nam, VACA cũng đang tham gia hỗ trợ việc theo dõi độ sáng của bầu trời bằng một máy đo độ sáng đặt tại Hà Nội. Bạn có thể theo dõi hướng dẫn và dữ liệu độ sáng tại đây.