Chúng ta đã bước sang những ngày cuối cùng của năm 2010. Năm mới 2011 sắp tới, dưới đây là lịch các hiện tượng thiên văn cơ bản có thể quan sát tại Việt Nam trong năm 2011 này.

 

 

 

 

 

1- Mưa sao băng Quadrantids: trận mưa sao băng thuộc loại trung bình hàng năm sẽ đạt cực điểm vào đêm mùng 3 và mùng 4 tháng 1, trung tâm là chòm sao Bootes Thời điểm lý tưởng nhất quan sát trận mưa sao băng này sẽ là rạng sáng ngày 4/1 sắp tới. Với việc trận mưa sao băng trùng vào ngày cuối tháng âm lịch, không có trăng, nếu thời tiết tốt đây cũng là một dịp thuận lợi để quan sát trận mưa sao băng này.

2- Mưa sao băng Lyrids: Trận mưa sao băng tương đối nhỏ có cực điểm rơi vào đêm 21 và 22 tháng 4 hàng năm, với trung tâm là chòm sao Lyra. Năm nay việc quan sát trận mưa sao băng này sẽ khó thực hiện một phần do mức độ khá nhỏ của nó, phần khác do thời gian cực điểm diễn ra là đêm 19-20 âm lịch, trăng sẽ rất sáng và lên cao rất khó để quan sát.

3- Mưa sao băng Eta Aquarids: Mưa sao băng nhỏ xảy ra ở khu vực chòm sao Aquarius trong khoảng đêm mùng 5-6 tháng 5. Mật độ sao băng khá nhỏ nên sẽ khó quan sát trận mưa sao băng này.

4- Nguyệt thực toàn phần ngày 15 tháng 6. Ngày 15 tháng 6 năm 2011, nguyệt thực toàn phần diễn ra và có thể được quan sát tại Việt Nam vào rạng sáng 16 tháng 6, đây là nguyệt thực dài thứ hai của thế kỉ này.

5- Sao Hải Vương (Neptune) vào ngày 12 tháng 7 năm 2011 sẽ hoàn thành tròn một vòng quĩ đạo của mình kể từ khi nó được phát hiện. Đây là một dịp khá thú vị cũng như vị trí của nó sẽ tương đối gần để có thể quan sát hành tinh này qua các kính thiên văn nhỏ

6- Mưa sao băng Delta Aquarids: trận mưa sao băng nhỏ hàng năm với cực điểm vào đêm 28 và 29 tháng 7 tại khu vực chòm sao Aquarius. Nhìn chung đây là trận mưa sao băng nhỏ và khá khó để quan sát.

7- Mưa sao băng Perseids. Trận mưa sao băng với trung tâm là chòm sao Perseus, cực điểm xảy ra vào đêm 12-13 tháng 8 hàng năm. Cùng với Geminids, Perseids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Mặt khác khác với Geminids, trận mưa sao băng này diễn ra vào thời gian cuối mùa hè, có nhiều lợi thế hơn về điều kiện khí hậu. Nếu trời trong đây chắc chắn sẽ là một trận mưa sao băng không thể bỏ qua.

8- Mưa sao băng Orionids - một trận mưa sao băng trung bình đạt cực điểm vào đêm 21-22 tháng 10 hàng năm, trung tâm là chòm sao Orion.

9- Mưa sao băng Leonids - trận mưa sao băng khá lớn hàng năm, chỉ sau Geminids và Perseids với trung tâm là chòm sao Leo, đạt cực điểm đêm 17-18 tháng 11. Đây là một trong những trận mưa sao băng đáng xem nhất hàng năm nếu điều kiện thời tiết cho phép.

10- Nguyệt thực toàn phần ngày 10 tháng 12 - đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần kéo dài 51 phút có thể hoàn toàn quan sát tại Việt Nam. Đây có thể coi là hiện tượng đáng quan sát nhất trong năm 2011 sắp tới và khả năng quan sát được là rất cao.

11- Mưa sao băng Geminids - trận mưa sao băng lớn nhất trong năm sẽ đạt tới cực điểm vào đêm 13-14 tháng 12 tại khu vực chòm sao Gemini. Chúng ta hãy hi vọng rằng năm tới điều kiện thời tiết để quan sát hiện tượng này sẽ thuận lợi hơn năm 2010 vừa qua.

(ngoài các hiện tượng nêu trên, năm tới còn các lần nhật thực một phần vào 4/1, 1/6, 1/7 và 25/11 nhưng đều không thể quan sát tại Việt Nam)

Đặng Vũ Tuấn Sơn - VACA
(một số thông tin được tham khảo từ NASA)