The Moon

Thời gian gần đây, một số nguồn thông tin cho biết Mặt Trăng tròn vào tối ngày 19 tháng 4 là "Trăng hồng". Điều này thu hút sự chú ý của nhiều người vì nếu Mặt Trăng có màu sắc như vậy thì đó thực sự là một hiện tượng kỳ lạ và thú vị. Tuy nhiên sự thật lại không như thế.

Trước hết, chúng ta hãy nhắc lại rằng Mặt Trăng không hề tự phát sáng mà ánh sáng của nó mà ta nhìn thấy là ánh sáng của Mặt Trời phản xạ lại khi gặp bề mặt Mặt Trăng. Vì Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất nên vùng được chiếu sáng mà chúng ta nhìn thấy ở mỗi thời điểm là khác nhau. Sự biến đổi hình dạng của vùng được chiếu sáng đo theo chu kỳ được gọi là các pha của Mặt Trăng. Âm lịch mà chúng ta sử dụng dựa trên chính chu kỳ các pha như vậy.

Hàng ngày, mỗi khi Mặt Trăng xuất hiện, ánh sáng của nó luôn có màu trắng-vàng. Riêng đối với những lần có nguyệt thực - khi Mặt Trăng ở pha tròn và đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất - thì một phần hoặc toàn bộ của nó có màu đỏ, đối với vùng nửa tối thì là màu đỏ nhạt - hoặc có thể gọi là hồng. Tuy nhiên ngày 19 tháng 4 này thì không có nguyệt thực xảy ra. Và do đó Mặt Trăng không hề có màu hồng như cái tên "Trăng hồng".

 

Các pha của Mặt Trăng

 

Xuất xứ thực sự của tên gọi 'Trăng hồng" (Pink Moon) này tới từ một loài hoa mọc mọc phổ biến ở Bắc Mỹ và nở vào mùa xuân là hoa phlox. Thời điểm tháng 4 hàng năm là khi hoa phlox nở rộ và ở những nơi chúng mọc nhiều, chúng tạo nên cảnh tượng như một tấm thảm màu hồng trên mặt đất. Trăng tròn rơi vào khoảng thời gian như vậy được người bản địa gọi là Trăng hồng. Cụ thể hơn, Trăng tròn trong dịp tháng 4 Dương lịch thì luôn được họ gọi như vậy dù nó không bao giờ có màu hồng.

Cách gọi như trên rõ ràng chỉ là vấn đề của văn hóa. Ở nhiều khu vực khác, cũng là Trăng tròn tháng 4 nhưng còn có những tên gọi như Trăng cỏ mọc (Sprouting Grass Moon), Trăng thỏ rừng (Hare Moon), Trăng cá (Fish Moon), ... Tất cả đều là tên gọi theo đặc trưng văn hóa, không phản ánh chút nào về màu sắc hay độ sáng của Mặt Trăng. Cái tên "Trăng hồng" được một số báo chí gần đây nhắc tới chẳng qua vì nó dễ gây chú ý nhất, hay nói một cách thẳng thắn hơn là dễ "đánh tráo khái niệm một cách được coi là vô tình" nhất. Nó khiến công chúng ngộ nhận rằng Mặt Trăng có thể có màu hồng.

Việc này cũng tương tự như một khái niệm khác những năm gần đây hay được nhắc tới là "Trăng xanh" (Blue Moon). Đó là lần Trăng tròn thứ hai trong một tháng Dương lịch, hoặc là lần thứ 3 trong số 4 lần Trăng tròn của cùng một mùa. Dù được gọi như vậy nhưng Mặt Trăng không bao giờ có màu xanh. (Đọc bài: Trăng xanh không phải hiện tượng thiên văn).

VACA